Theo thống kê của hệ thống giám sát virus của BKAV, trên toàn cầu mỗi ngày có tới hơn 1,5 triệu mẫu virus được tung lên mạng, phần lớn trong số đó là mã độc tấn công theo kịch bản SAP (Scenario Attacks Prevention).
Mục đích chính của loại mã độc này là tối đa hóa việc khai thác thông tin, dữ liệu của nạn nhân nhằm trục lợi, kiếm tiền. Với nguồn lợi khổng lồ mà hacker đã kiếm được, việc phát tán các mã độc tấn công theo kịch bản đã trở thành một ngành công nghiệp đen trị giá hàng tỷ USD.
Đây là hình thức tấn công có chủ đích, nhằm vào một cơ quan, tổ chức để đánh cắp thông tin quan trọng. Trong các cuộc tấn công này, hacker thường sử dụng virus đặc chủng có khả năng vượt qua tường lửa và các phần mềm diệt virus để nằm vùng trong hệ thống.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Bkav năm 2018 cũng đã ghi nhận hơn 60% hệ thống mạng cơ quan doanh nghiệp bị nhiễm loại mã độc này, thiệt hại gây ra cho người dùng lên tới 14.900 tỷ đồng.
Trước nguy cơ này, Bkav đã cho ra mắt phần Bkav 2019 tích hợp công nghệ chống tấn công theo kịch bản, giúp phát hiện sớm và ngăn chặn các cuộc tấn công của hacker như gián điệp nằm vùng, mã hóa dữ liệu, đào tiền ảo…
Ngoài ra, Bkav 2019 được trang bị tính năng chống tấn công qua lỗ hổng SMB. Đây là lỗ hổng từng bị mã độc WannaCry khai thác, trong khi hiện vẫn có khoảng 50% máy tính tại Việt Nam đang tồn lại lỗ hổng này, có nguy cơ bị virus tấn công bất cứ lúc nào..