Trong một cuộc phỏng vấn tối 11/6, ông Chapman cho biết Mỹ đang đàm phán với Brazil và các công ty viễn thông địa phương để tài trợ cho việc mua lại thiết bị mạng 5G do Ericsson và Nokia sản xuất. Đại sứ Mỹ tại Brazil nhấn mạnh rằng loại tài trợ này là vấn đề quan trọng về “an ninh quốc gia” đối với Washington và có mục đích “bảo vệ dữ liệu, sở hữu trí tuệ, cũng như thông tin nhạy cảm của các quốc gia khác”.
Thông tin từ phía ông Chapman được xem là đòn đánh mạnh vào Huawei Technologies, nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc vốn đã củng cố sự hiện diện tại Brazil trong 20 năm qua. Huawei đã thực hiện thành công thử nghiệm 5G với cả bốn nhà mạng lớn của quốc gia Nam Mỹ, bao gồm Telefonica Brasil SA, TIM Participacoes SA, America Movil’s
Claro và Oi SA. Ngoài ra, Huawei còn đang giúp bốn nhà mạng này hiện đại hóa cơ sở hạ tầng trước phiên đấu giá quang phổ 5G được chờ đợi từ lâu.
Reuters hồi tháng 8.2019 đưa tin rằng Huawei sẽ đầu tư 800 triệu USD cho việc xây dựng một nhà máy ở bang Sao Paulo của Brazil vào năm 2022, với mục tiêu tăng cường dấu chân của họ tại khu vực Mỹ Latin bất chấp sự phản đối từ phía Mỹ. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần cảnh báo các chính phủ trên toàn thế giới, bao gồm cả Brazil, nên tránh xa Huawei vì lo ngại vấn đề gián điệp, gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Tuy nhiên, cho đến nay không mấy ai thực sự chú ý đến lời thúc giục đó.
Theo lập luận của ông Chapman, việc cho phép các công ty Trung Quốc triển khai 5G trong nước nhiều khả năng có thể ngăn cản đầu tư của các công ty nước ngoài khác. “Ai sẽ muốn đầu tư vào các quốc gia nơi thông tin của họ không được bảo vệ?”, ông Chapman nói với tờ Folha de S.Paulo.
Cũng trong buổi phỏng vấn, ông Chapman cho biết thêm rằng khoản tài trợ đang được thảo luận với Brazil được Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế cung cấp. Đây là một ngân hàng phát triển do ông Trump thành lập vào cuối năm 2018 để chống lại hoạt động của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc tại các nước khác.