Mỹ công bố đề xuất gói chi tiêu 52 tỷ USD cho ngành bán dẫn

Mỹ công bố đề xuất gói chi tiêu 52 tỷ USD cho ngành bán dẫn
Tạp chí Nhịp sống số - Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer ngày 18/5 đã công bố một đề xuất đã qua sửa đổi trị giá khoảng 52 tỷ USD nhằm hỗ trợ thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn ở nước này trong 5 năm tới.

 Theo Thượng nghị sĩ Schumer, đề xuất này là "khoản đầu tư lịch sử” nhằm đảm bảo Mỹ tiếp tục có lợi thế trong ngành sản xuất chip toàn cầu.

Đề xuất trên bao gồm 49,5 tỷ USD bổ sung khẩn cấp cho hoạt động cung cấp chip, vốn đã được đưa vào Đạo luật Ủy quyền quốc phòng trong năm nay.

Cụ thể hơn, 39 tỷ USD được chi cho hoạt động sản xuất và khuyến khích công tác nghiên cứu và phát triển (R&D). 10,5 tỷ USD sẽ được dùng để hỗ trợ các chương trình của Trung tâm Công nghệ bán dẫn quốc gia, Chương trình Sản xuất bao bì tiên tiến quốc gia và các chương trình R&D khác.

Hơn 1,5 tỷ USD còn lại nhằm khuyến khích doanh nghiệp lựa chọn thiết bị của các đối tác phương Tây thay thế cho thiết bị của các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei và  ZTE, với mục tiêu đẩy nhanh sự phát triển của mô hình hệ thống mạng truy cập vô tuyến mở (OpenRAN).

Một điều khoản khác trong đề xuất cấm tải ứng dụng truyền thông xã hội TikTok do Trung Quốc sở hữu xuống các thiết bị của Chính phủ để “bảo vệ tốt hơn quyền riêng tư và bảo mật của người Mỹ.”

Những người ủng hộ đề xuất tài trợ trên nhấn mạnh rằng Mỹ từng có 37% thị phần sản xuất chất bán dẫn và vi điện tử vào năm 1990. Ngày nay, chỉ có 12% chất bán dẫn trên toàn cầu được sản xuất tại nước này.

Dự kiến đề xuất tài trợ khẩn cấp này sẽ được đưa vào Dự luật Biên giới vô tận (Endless Frontier Act) sửa đổi dài 1.400 trang mà Thượng viện Mỹ dự kiến sẽ bỏ phiếu thông qua trong tuần này.

Dự luật này chủ trương chi 120 tỷ USD cho nghiên cứu công nghệ tiên tiến và cơ bản của Mỹ, tăng khả năng cạnh tranh của nước này với Trung Quốc.

Trước đó, Tổng thống Joe Biden cũng đã kêu gọi đầu tư 50 tỷ USD để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn của Mỹ.

Tình trạng thiếu hụt chip đã gây tổn hại đến ngành sản xuất ô tô của Mỹ và cản trở sự phát triển của một số ngành công nghiệp khác.

Tháng trước, Ford Motor cảnh báo việc nguồn cung chip thu hẹp có thể làm giảm một nửa sản lượng quý 2/2021 của nhà sản xuất ô tô này, trong khi General Motors đã phải ngừng hoạt động sản xuất của một số nhà máy ở Bắc Mỹ.

Có thể bạn quan tâm