DHS cho biết, họ cảm thấy bất an về mối liên hệ giữa Kaspersky Lab với các cơ quan tình báo của Nga. Quyền Bộ trưởng DHS Elaine Duke gia hạn 90 ngày cho các cơ quan chính phủ gỡ bỏ và thay thế phần mềm bảo mật Kaspersky.
"DHC rất quan ngại về các ràng buộc giữa một số quan chức Kaspersky với cơ quan tình báo và các cơ quan chính phủ khác thuộc Nga. Nguy cơ hiện hữu là, chính phủ Nga, dù tự hành động hay thông qua sự cộng tác với Kaspersky, có thể lợi dụng xâm nhập thông qua các sản phẩm Kaspersky để gây hại cho các hệ thống thông tin liên bang, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia của Mỹ", bà Duke nhấn mạnh.
Động thái của DHS diễn ra ngay trước khi Thượng viện Mỹ dự kiến bỏ phiếu phê chuẩn việc cấm các cơ quan chính phủ dùng các sản phẩm của công ty an ninh mạng Nga.
Kaspersky Lab đã nhiều lần lên tiếng phủ nhận có quan hệ với Điện Kremlin. Tuy nhiên, cách đây 2 tháng, hãng thông tấn Bloomberg của Mỹ đưa tin đã nhìn thấy các email trao đổi giữa tổng giám đốc điều hành Eugene Kaspersky và các nhân viên cấp cao của Kaspersky Lab, với nội dung đề cập đến một dự án an ninh mạng bí mật, dường như được thành lập theo yêu cầu của cơ quan tình báo Nga FSB. Theo Bloomberg, các công cụ thuộc dự án không chỉ làm chệch hướng các cuộc tấn công mạng mà còn thu thập thông tin về những hacker đứng đằng sau các sự cố này, rồi chuyển chúng cho các cơ quan tình báo Nga.
Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump cũng đối mặt với cáo buộc có dính líu đến các quan chức Nga trong cuộc tổng tuyển cử năm 2016.
Các cáo buộc đã khiến một loạt hãng bán lẻ Mỹ ngừng kinh doanh các sản phẩm của công ty.
Kaspersky Lab hiện có hơn 400 triệu khách hàng khắp toàn cầu. Song, hãng chưa bao giờ trở thành một nhà cung cấp phần mềm bảo mật lớn cho chính phủ Mỹ.