Theo thống kê từ Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) có hơn 134.000 sự cố an ninh mạng đã xảy ra trong năm 2016 (bao gồm sự cố Phishing, Malware và Deface), tăng gấp 4 lần so với năm 2015. VNCERT cũng đồng thời cảnh báo mức độ phát triển lây lan nhanh chóng của mã độc mã hóa dữ liệu Ransomware trong năm qua.
Cùng nhận định với VNCERT, trong báo cáo tình hình an ninh mạng mới đây, tập đoàn công nghệ BKAV cũng ghi nhận rằng năm 2016 là năm bùng nổ của ransomware khi mà trung bình 10 email nhận được thì 1,6 email có chứa ransomware. Theo báo cáo này, người dùng Việt Nam đã chịu thiệt hại lên đến 10.400 tỷ đồng, tăng gần 9.000 tỷ đồng so với mức thiệt hại năm 2015. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là trong khi nguy cơ an ninh mạng ngày càng diễn biến phức tạp và tinh vi, nhưng người dùng Việt vẫn chưa có ý thức và kiến thức đầy đủ để bảo vệ mình.
Theo chuyên gia an ninh mạng Ngô Việt Khôi đánh giá, kiến thức bảo mật của người dùng Việt hiện nay vẫn như thuở sơ khai gần 20 năm trước khi mà Internet mới vào Việt Nam, một thực trạng hết sức đáng quan ngại về vấn đề an ninh bảo mật. Để có thể tự bảo vệ mình trong kỷ nguyên số hóa với nhiều mối đe dọa tấn công, bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng giám đốc của Cisco Việt Nam đã từng có lời khuyên cho các doanh nghiệp Việt Nam trong một buổi hội thảo về bảo mật: "Các doanh nghiệp và tổ chức cần nâng cao năng lực an toàn thông tin ở 3 yếu tố cơ bản: con người, quy trình và giải pháp công nghệ. Đào tạo con người, nâng cao kiến thức/nhận thức về an toàn thông tin; Xây dựng quy trình đảm bảo an toàn thông tin và Xử lý khi có sự cố; Triển khai các giải pháp an toàn bảo mật một cách toàn diện", bà Thủy nhấn mạnh.
Ngày 4/4 vừa qua tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo - Triển lãm Quốc gia về An ninh Bảo mật 2017 (Security World 2017) với chủ đề "Bảo đảm an ninh mạng, an ninh thông tin trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4". Sự kiện do Cục An ninh mạng, Cục An toàn thông tin phối hợp cùng Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG Việt Nam) tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ công an và sự bảo trợ của Bộ Thông tin & Truyền thông cùng Ban Cơ yếu Chính phủ. Trải qua 11 kỳ tổ chức liên tiếp tại Việt Nam từ năm 2007, Hội thảo - Triển lãm Quốc gia về An ninh Bảo mật (Security World) đã trở thành diễn đàn quốc gia lớn và uy tín nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực an ninh thông tin. Hội thảo - Triển lãm là nơi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và đề xuất những giải pháp tiên tiến về an ninh bảo mật.
Trong phiên báo cáo chính của Hội thảo, Trung tướng, PGS.TS Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng, Cục An ninh mạng, Bộ Công An đã nêu tổng quan tình hình an ninh mạng tại Việt Nam trong năm 2016, xu hướng an ninh và an toàn thông tin đang diễn ra hiện nay, cũng như đề xuất các hướng đi cùng những giải pháp an ninh cho các tổ chức doanh nghiệp tại Việt Nam.
Cụ thể, Trung tướng Thuận cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới với khoảng 59 triệu người dùng (chiếm 62,76% dân số). Các thiết bị thông minh đã trở nên phổ biến và quen thuộc, gắn liền với sinh hoạt, học tập, lao động của hầu hết người dân, góp phần quan trọng hình thành xã hội thông tin và nền kinh tế tri thức. Chính phủ điện tử được triển khai rộng khắp các địa phương, làm giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự phát triển về không gian mạng cũng làm nảy sinh nhiều nguy cơ, thách thức đối với an ninh quốc gia cũng như an toàn, lợi ích của các doanh nghiệp và cá nhân.
Nhiều thông tin sai lệch được phát tán trên mạng đã xúc phạm nghiêm trọng danh dự, khủng bố tinh thần của công dân, gây hoang mang dư luận, thậm chí đe dọa đến an ninh trật tự trong nước; điển hình là thông tin Việt Nam đổi tiền xuất hiện cuối năm 2016. Đây cũng là vấn đề mà nhiều quốc gia khác trên thế giới đang phải đối mặt và nỗ lực đối phó. Cũng giống như các quốc gia khác, Việt Nam mong muốn các hãng công nghệ hàng đầu thế giới khi hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xuyên biên giới tại Việt Nam như Google, Facebook... cần phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, đồng thời hợp tác chặt chẽ với chính quyền nhằm phòng chống tội phạm mạng và ngăn chặn thông tin sai lệch.
Ngoài ra năm 2016, hoạt động tấn công mạng vào các cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu cũng gia tăng về quy mô và tính chất nguy hiểm. Thống kê năm 2016 ghi nhận có tới gần 7.000 trang/cổng thông tin điện tử trong nước bị tin tặc tấn công, chỉnh sửa, chèn thêm nội dung, cài mã độc. Nhiều thiết bị kết nối Internet (IoT) tồn tại lỗ hổng bảo mật dẫn đến nguy cơ bị tin tặc khai thác, tấn công. Những hệ thống thông tin trọng yếu, nhất là hàng không, ngân hàng, viễn thông có nguy cơ bị phá hoại nghiêm trọng bởi các cuộc tấn công mạng, điển hình là vụ tấn công vào hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) ngày 29/7/2016.
Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng trong nước đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực viễn thông, Internet. Luật An toàn thông tin mạng và một số nghị định về quản lý dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã được đưa ra nhằm hướng tới xây dựng một môi trường không gian mạng an toàn. Tuy nhiên, những văn bản này hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra, đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện bổ sung trong thời gian tới.