Theo các chuyên gia bảo mật, phần mềm gián điệp có khả năng xâm nhập vào thông tin của người dùng, giúp thủ phạm truy cập tin nhắn, hình ảnh, thông tin mạng xã hội, định vị, âm thanh hoặc video của nạn nhân. Các phần mềm gián điệp thường chạy ẩn trong thiết bị mà không được sự cho phép của người dùng - thậm chí họ còn không biết đến sự tồn tại của nó.
Theo Kaspersky, trong vài năm qua, vấn đề về gián điệp mạng đang ngày càng nghiêm trọng. Số người dùng bị tấn công bởi phần mềm gián điệp đã tăng 35%, từ 27.798 năm 2018 lên 37.532 vào năm 2019. Các loại phần mềm gián điệp cũng gia tăng. Kaspersky đã phát hiện 380 biến thể của phần mềm gián điệp trong năm 2019 - nhiều hơn 31% so với năm 2018.
Về các mã độc gián điệp được cài cắm trên thiết bị Windows, 3 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất trong năm 2019 là Nga, Ấn Độ và Đức.
Báo cáo International Privacy Day Report 2020 của Kaspersky cho thấy: Việt Nam đứng thứ 9 trên toàn cầu về mức độ bị ảnh hưởng bởi phần mềm gián điệp, với 7.216 người dùng bị tấn công vào năm 2019. Tổng số người dùng bị ảnh hưởng bởi phần mềm gián điệp năm 2019 tại Việt Nam đã tăng 21,54%, từ 5.937 người dùng trong năm 2018.
Singapore có số lượng người dùng bị tấn công bởi phần mềm gián điệp thấp nhất Đông Nam Á năm 2019 với 866 người dùng, đứng thứ 44 trên thế giới.
Để tránh bị theo dõi bởi gián điệp mạng, Kaspersky khuyến nghị người dùng cần thực hiện nhiều biện pháp, như:Chặn cài đặt chương trình từ các nguồn không xác định trong thiết bị di động; Không bao giờ tiết lộ mật khẩu thiết bị cho bất cứ ai; Không bao giờ lưu trữ các tệp hoặc ứng dụng lạ trên thiết bị di động, vì chúng có thể gây ảnh hưởng đến quyền riêng tư của bạn; Kiểm soát các chương trình chạy nền và vô hiệu hóa những hoạt động đáng ngờ; Sử dụng giải pháp bảo mật đáng tin cậy như Kaspersky Internet Security có tính năng thông báo về sự hiện diện của các chương trình phần mềm gián điệp xâm phạm quyền riêng tư của bạn trên điện thoại...