Hội nghị “Nâng cao năng lực xuất khẩu thông qua TMĐT xuyên biên giới” được tổ chức nhằm góp phần “gỡ khó” cho DN xung quanh những vấn đề như vậy.
Sự kiện do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA) và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HanoiSME) tổ chức hôm nay, 21/10. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động chuyên sâu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển TMĐT tại thị trường trong nước và xuất khẩu, ứng dụng các giải pháp công nghệ số tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp củng cố tài chính, số hóa hệ thống, mở rộng mạng lưới phân phối và dịch chuyển sang phương thức kinh doanh TMĐT.
TMĐT xuyên biên giới - cơ hội bình đẳng cho mọi DN
Theo bà Nguyễn Thị Mai Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội, TMĐT xuyên biên giới đang nhanh chóng trở thành nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu và là xu hướng tất yếu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc. Nó giúp doanh nghiệp không chỉ nâng cao doanh số bán hàng mà còn có thể xây dựng mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực để tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngày nay, các DN đang ngày càng nhận ra những ưu thế lớn của TMĐT xuyên biên giới, với phương thức mô hình kinh doanh hàng hóa - dịch vụ rất hiệu quả, bền vững đến các khách hàng quốc tế thông qua hình thức online: Website, cửa hàng trực tuyến hay các sàn thương mại điện tử.
"Thời gian qua, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã nỗ lực, tận dụng cơ hội, không ngừng tìm kiếm giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi, đẩy mạnh phương thức kinh doanh trực tuyến trong mùa dịch. Số doanh nghiệp thành công ngày càng gia tăng, với doanh thu trực tuyến chiếm tỷ trọng lớn. Đặc biệt, phần lớn các doanh nghiệp này đã có mặt trên hầu hết các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước. Điều này mang đến cơ hội lớn trong việc tiêu thụ, tiếp cận thị trường xuất khẩu, giao thương kết nối và tiếp cận số lượng đông đảo người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến một cách hiệu quả", bà Mai Anh cho biết.
TMĐT không phải "cây đũa thần" cho tất cả các DN
Đó là nhận định của ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương. Theo đó, ông Hoàng khẳng định, với quy mô các thị trường nhập khẩu nước ngoài còn nhiều dư địa, tiềm năng cho các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam là rất lớn, đặc biệt khi các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP trở thành động lực mới của nền kinh tế Việt Nam giai đoạn tới.
Điều này mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp có sản phẩm tốt, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của quốc gia nhập khẩu, tận dụng được các thị trường có TMĐT phát triển mạnh làm bệ phóng đưa sản phẩm vào các thị trường "khó tính", nơi tồn tại nhiều rào cản về thủ tục và chi phí.
Tuy nhiên, TMĐT xuyên biên giới không phải "cây đũa thần" cho tất cả các đơn vị, mà chỉ dành cho những DN thực sự chăm chút vào sản phẩm, nghiêm túc và có sự đầu tư cho việc tìm hiểu thị trường, nghiên cứu các quy định về xuất nhập khẩu, thanh toán...
Chính vì thế, những sự kiện như Hội nghị lần này cùng các chương trình của Bộ Công Thương là dịp để các DN học hỏi, nâng cao nhận thức, tìm tư vấn trực tiếp về các quy trình, mô hình xây dựng và phát triển thương hiệu của sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp, qua đó giúp doanh nghiệp có thể chủ động nghiên cứu và xây dựng chiến lược thương hiệu và phát triển kênh TMĐT một cách hiệu quả, phù hợp.
Ngoài tham luận của đại diện các cơ quan quản lý, các diễn giả đến từ những đối tác như Alibaba, Google, Clever Group, Công ty CP Đầu tư và Công nghệ OSB, VPBank, BIDV... cũng đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp trên nền tảng số, các giải pháp quảng bá trên nền tảng số, mạng xã hội tích hợp các giải pháp tài chính số tiếp sức kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu qua kênh TMĐT.
Trong đó, ông Vũ Thế Tùng - Giám đốc phát triển thị trường và quan hệ chính phủ, đại diện Alibaba Việt Nam - cho biết, với thế mạnh của một sàn bán sỉ (B2B) có lượng người mua sỉ lớn nên một số ngành như nông sản, thực phẩm chế biến - đóng gói, thủ công mỹ nghệ, may mặc, hàng tiêu dùng, cơ khí chế tạo, bao bì đóng gói… của Việt Nam hoàn toàn có lợi thế cạnh tranh trên sàn Alibaba.com về chi phí giá thành.
Tại các văn bản của Chính phủ về chương trình chuyển đổi số quốc gia năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đã có những định hướng chuyển đổi số và phát triển lĩnh vực TMĐT, và đặc biệt Quyết định số 645/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch phát triển Chương trình TMĐT quốc gia xác định TMĐT tiếp tục là mũi nhọn thúc đẩy kinh tế số với những mục tiêu cụ thể như:
(1) Hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi TMĐT trong DN và cộng đồng;
(2) Thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ phát triển TMĐT;
(3) Xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; (
4) Mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam trong và ngoài nước thông qua ứng dụng TMĐT; đẩy mạnh giao dịch, TMĐT xuyên biên giới; (5) Trở thành quốc gia có thị trường TMĐT phát triển thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.