Theo Washington Post, nếu muốn nhìn thấy "Thung lũng Silicon" của nước Nga, bạn hãy đi khoảng 5.600 dặm về phía đông Moscow, băng qua những ngọn đồi ở Vladivostok và vượt qua cây cầu nối từ đất liền đến đảo Russky, nằm ở đầu bờ biển trên Vành đai Thái Bình Dương. Khu vực này còn được gọi với cái tên "đảo người máy".
Tham vọng robot hình người
Năm 2018, Tổng thống Putin thành lập Quỹ Công nghệ cao Viễn Đông để đầu tư vào các công ty công nghệ sẵn sàng đặt cơ sở tại Vladivostok. Công ty Promobot đã chấp nhận điều kiện này và trở thành một trong những nhà sản xuất robot tự động lớn nhất ở Nga. 3 năm qua, họ phát triển các robot hình người với cặp mắt xanh và làn da y như thật.
Đó là lý do tại sao kỹ sư Peter Chegodayev đến Vladivostok làm về robot. Từng đảm nhận khâu hiệu ứng hình ảnh trong ngành phim, anh có kinh nghiệm tạo ra những robot với làn da, cặp mắt, mái tóc và cơ mặt sống động như thật, như thể chúng bước ra từ phim kinh dị.
Trong xưởng làm việc của Peter Chegodayev, đầu người giả nằm rải rác trên bàn. Tất cả đều giống hệt nhau, mô phỏng theo Alexei Yuzhakov - người đồng sáng lập công ty Promobot. Mục tiêu của họ là tạo ra bản sao robot giống Yuzhakov đến mức không thể phân biệt khi cả hai đứng cạnh nhau.
Những con mắt bằng silicon
Với các nam châm nhỏ đặt dưới lớp da silicon, robot hình người của Promobot có thể tái tạo gần như tất cả biểu cảm. Chúng có 38 trên tổng số 42 cơ rải rác khắp mặt người.
Tóc của robot được khâu thủ công từng hàng một, có thể mất đến 1 tháng mới hoàn thành mái tóc cho 1 robot. Đôi mắt được vẽ riêng từng con. Khuôn mặt chúng còn có má lúm đồng tiền.
Theo Oleg Kivokurtsev - giám đốc phụ trách phát triển Promobot, các robot hình người được dùng cho mục đích giáo dục, chẳng hạn dành cho các sinh viên ngành y luyện tập thực hành với bệnh nhân. Những mẫu cũ hơn làm việc hướng dẫn khách trong bảo tàng và cơ quan chính quyền ở Moscow và Perm.
Kivokurtsev cho biết lợi thế của Vladivostok là lực lượng lao động rẻ hơn Moscow, thậm chí rẻ hơn nhiều so với các cường quốc công nghệ. Đây cũng có thể là một khởi đầu mới. Từ Vladivostok, ông có kế hoạch đưa công ty thâm nhập vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cũng trên đảo Russky, gần văn phòng của Promobot, công ty Motorica chuyên làm tứ chi máy cũng đang nghĩ đến việc phát triển cyborg, hay còn gọi "con người của tương lai", theo lời Ilya Chekh - giám đốc Motorica. Họ đã tạo ra cánh tay, kế tiếp sẽ là nội tạng nhân tạo và xương.
Ilya Chekh - giám đốc Motorica làm việc với những cánh tay giả
Cánh tay giả của Motorica có các cảm biến kết nối với mô cơ của bệnh nhân, giúp họ thực hiện vài cử động như cầm nắm đồ vật. Mục tiêu dài hạn của họ là trình làng cánh tay AI có thể mô phỏng hoàn toàn khả năng của tay người.
Công ty Motorica đã đề xuất biến hòn đảo rộng 38 dặm vuông (gần gấp đôi diện tích quận Manhattan của Mỹ) thành một đặc khu không có các rào cản pháp lý cho các thiết bị và cảm biến cấy ghép, thúc đẩy sự phát triển của công nghệ y tế. Từ đó, họ nảy ra ý tưởng về "đảo Cyborg". Họ muốn nơi đây sẽ đơn giản hóa các quy định, giúp các kỹ sư và bác sĩ có thể hoạt động thí điểm mà không cần trải qua thử nghiệm lâm sàng.
Chưa thể sánh với Mỹ, Trung Quốc
Mặc dù trụ sở chính vẫn ở Moscow, Motorica đang có dự định chuyển dần hoạt động sang đảo Russky. Ilya Chekh nói: "So với Trung Quốc và Mỹ, Nga kém phát triển hơn, nhưng không phải lĩnh vực nào cũng vậy. Các sáng kiến về công nghệ xâm lấn (tức đưa máy móc vào cơ thể người) của Nga nhiều hứa hẹn hơn AI".
Ông nói thêm: "Đối với AI thì có vẻ hơi muộn, ít nhất chúng ta có những lập trình viên giỏi nhất thế giới".
Tại Vladivostok cũng có các học viện chế tạo robot dành cho trẻ em. Suốt 7 năm qua, Robocenter đã mở 7 học viện với 2.500 học sinh. Đến khi tốt nghiệp, chúng được học mọi thứ từ lập trình, chế tạo robot dưới nước, mô hình 3D, được tham gia vào những cuộc thi robot quốc tế.
Sergei Moon - giám đốc Robocenter cho biết: "Trước đây, đi học khiêu vũ hay thể thao là thời thượng. Bây giờ đến môn chế tạo người máy. Mọi người thường hỏi nhau: "Bạn có đưa con đến câu lạc bộ người máy không?". Điều này đang trở thành việc cần làm của nhiều gia đình".
Nước Nga thường xuyên khoe những đổi mới về robot, chẳng hạn việc phóng robot hình người Fedor vào không gian vào năm 2019. Đầu năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết Nga đang bắt đầu "sản xuất hàng loạt robot chiến đấu", là robot thực sự có thể làm diễn viên trong các bộ phim khoa học viễn tưởng.
Thế nhưng những học sinh tại Robocenter vẫn nhìn robot ở Mỹ với sự ngưỡng mộ. Chúng đặc biệt thích những gì Boston Dynamics đang làm, như lập trình robot nhảy nhót. Ước mơ của người trẻ Nga là được đến Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ.
Ông Sergei Moon nói: "Chúng ta cần phải phân biệt giữa sự phô trương của những nhà cầm quyền và tình hình thực tế. Thực tế là ngành robot của Nga còn kém, xét về robot công nghiệp, Nga không nằm trong top 10".