Theo các chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi, các ngân hàng truyền thống cần ứng dụng công nghệ để tích hợp đồng nhất các kênh phân phối, đồng thời đa dạng hóa các kênh để khách hàng dễ tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Trong đó, giữa các kênh phải có sự kết nối chuyển tiếp thông tin đầy đủ, đảm bảo trải nghiệm khách hàng được ổn định. Cùng đó, tạo nên sự kết nối, liên thông giữa các quầy giao dịch và các kênh giao tiếp số (ngân hàng điện tử). Quá trình chuyển đổi từ ngân hàng truyền thống sang ngân hàng số sẽ dẫn đến sự hình thành các hệ sinh thái phục vụ khách hàng, đồng thời tạo nên những sản phẩm mới được phát triển theo hành trình khách hàng, mang đến những trải nghiệm mới - tích cực hơn, liền lạc hơn - cho khách hàng.
Các công nghệ mới tác động như thế nào đến ngành Ngân hàng?
Tại Diễn đàn Ngân hàng Bán lẻ 2019, phần Hội thảo chuyên đề về Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ Ngân hàng số đã quy tụ nhiều chuyên gia đến từ các ngân hàng cũng như giới công nghệ với những góc nhìn và quan điểm đa chiều xung quanh xu thế phát triển của các ngân hàng thời Cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều thách thức lớn mà các ngân hàng truyền thống đang phải đối mặt trong quá trình "biến đổi" để trở thành ngân hàng số, như các rào cản về pháp lý; áp lực cạnh tranh từ các tổ chức phi tài chính (fintech, bigtech); hay các vấn đề về nguồn lực cho công nghệ, nhân lực... Đặc biệt, đã có nhiều giải pháp đến từ giới công nghệ được giới thiệu, nhằm "chia lửa" với các ngân hàng trong giai đoạn đòi hỏi sự tập trung quyết liệt này.
Theo ông Kaushik Bagchi - Phó Giám Đốc Khối Kinh Doanh, ASG Technologies, đang có 4 lĩnh vực chính mà kỹ thuật số tác động mạnh nhất đến các ngân hàng.
Thứ nhất, đó là Trải nghiệm khách hàng, khi mà đang xuất hiện ngày càng nhiều các kênh tương tác mới để người dùng tiếp cận ngân hàng và các dịch vụ tài chính. Điều này đòi hỏi ngân hàng phải có khả năng nắm bắt cơ hội thị trường cũng như đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của khách hàng, đồng thời xây dựng các hệ thống và quy trình để xử lí vòng đời giao dịch bằng kỹ thuật số.
Thứ hai là sự xuất hiện của các sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới, khi mà hệ sinh thái ngân hàng và người tham gia sẽ mở rộng ra ngoài các kênh ngân hàng truyền thống, dẫn đến những sản phẩm chuyên biệt và hoàn toàn mới mẻ so với trước đây.
Thứ ba là sự ứng dụng tự động hóa và trí thông minh mang đến những thay đổi mạnh mẽ trong quy trình nghiệp vụ, hướng tới tối ưu hóa chi phí và rút ngắn thời gian, cá nhân hóa dịch vụ tới từng khách hàng.
Và thứ tư là Sự hài lòng và bảo mật. Với lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng, thông tin khách hàng có giá trị rất lớn, đòi hỏi các ngân hàng phải có được những hệ thống và quy trình đủ "kín cổng cao tường" để có thể bảo vệ, quản lí và tận dụng dữ liệu 1 cách hiệu quả.
Từ một góc độ khác, ông Venkatraman Rajagopalan - Phó Chủ Tịch Phụ trách kinh doanh, Khu vực Đông Nam Á, Nucleus Software - chia sẻ số liệu từ các báo cáo chuyên ngành cho thấy, có khoảng 30% dân số Việt Nam có quyền truy cập vào tài khoản ngân hàng, nhưng chỉ có 20% khách hàng thực hiện giao dịch trực tuyến. Từ đó có thể thấy, phát triển ngân hàng số là một chặng đường dài. Theo ông, các khách hàng của ngân hàng số có thể mang lại lợi nhuận khá cao cho các ngân hàng. Chi phí hoạt động cho ngân hàng số thấp hơn 67% so với dịch vụ dựa trên chi nhánh truyền thống và khách hàng của ngân hàng số có thể tạo ra doanh thu gấp đôi. Một trong những lý do là các khách hàng bán lẻ tương tác với ngân hàng qua các kênh kỹ thuật số thường xuyên hơn 16 lần so với các tương tác dựa trên chi nhánh. Ngoài ra, đây là dịp nâng cao cơ hội tiếp thị và bán chéo do được cung cấp bởi các kênh kỹ thuật số.
"Có thể thấy, tương tác kỹ thuật số tạo ra lượng dữ liệu khổng lồ. Những dữ liệu đó có thể được phân tích để đưa ra các kết luận có tính chính xác cao về nhu cầu của khách hàng. Đây là điểm các ngân hàng cần tập trung đầu tư hơn nữa", ông Venkatraman Rajagopalan nói.
Công nghệ không chỉ hỗ trợ mà còn có thể làm thay đổi hoàn toàn các ngân hàng
Theo ông Kaushik Bagchi (ASG Technologies), ASG đã làm việc với các tổ chức dịch vụ tài chính lớn trên toàn cầu trong ba thập kỉ qua và giúp họ quản lí quy trình, thông tin. Có 3 lĩnh vực chính trong không gian quản lí thông tin nơi ASG có thể giúp giải quyết các vấn đề của ngân hàng và các tổ chức dịch vụ tài chính là Nền tảng kỹ thuật số, Quản lý nội dung và Quản lý dữ liệu.
"Trong lĩnh vực này, chúng tôi đã thấy sự tích hợp của nhiều loại công nghệ kết hợp với nhau để mang lại trải nghiệm kỹ thuật số vượt trội cho khách hàng. Đơn cử, nền tảng ASG – Zenith của chúng tôi sử dụng cách tiếp cận theo mô hình mã thấp để tận dụng các dịch vụ siêu nhỏ xung quanh việc quản lí quy trình làm việc, tự động hóa quy trình, RPA và quản lí nội dung. Nó cho phép phân phối dự án nhanh hơn trong khi giúp các nhóm tập trung vào các nhiệm vụ có giá trị gia tăng cao nhất", ông Kaushik Bagchi nói.
Cùng đó, việc quản lí nội dung thực hiện qua ASG Mobius đã giúp các ngân hàng và tổ chức dịch vụ tài chính quản lí dữ liệu và nội dung phi cấu trúc trong nhiều thập kỉ. Một số ngân hàng lớn đã sử dụng Mobius để quản lí nội dung, tài liệu và tất cả các dạng thông tin phi cấu trúc.
Trong khi đó, đại diện Nucleus Software thì giới thiệu về Nucleus Software’s FinnOne Neo - sản phẩm được công nhận là Hệ thống cho vay bán chạy nhất thế giới 10 lần. Hệ thống này hỗ trợ ngân hàng và các tổ chức tài chính thông qua việc kết nối liền mạch các giao diện, nhanh chóng tung ra các sản phẩm sáng tạo, cung cấp dịch vụ riêng của khách hàng và tăng cường danh mục sản phẩm cho vay. Đặc biệt, đây là giải pháp đa kênh đi kèm với kho API phong phú, mạnh mẽ và hỗ trợ toàn bộ vòng đời cho vay (bao gồm nguồn gốc, quản lí khoản vay, phân tích và quản lí nợ).... Thông qua các giải pháp di động, FinnOne Neo cho phép khách hàng của ngân hàng giám sát các ứng dụng cho vay của họ trên các kênh di động và trực tuyế, có thể triển khai trên cả nền tảng đám mây và tại chỗ.
Ngoài ra, đơn vị này cũng cung cấp Nucleus Software’s Lending Analytics - giải pháp chuyên biệt cho phép các tổ chức tài chính được hưởng lợi từ những dịch vụ được cung cấp dựa trên dữ liệu trong suốt vòng đời cho vay. Với các khả năng Học máy và Trí tuệ nhân tạo tiên tiến, giải pháp này là một nền tảng dễ xây dựng giúp đưa ra quyết định tín dụng tốt hơn thông qua các mô hình dự đoán chính xác.
Tham gia vào chủ đề này, ông Chu Xuân Vinh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ Ứng dụng Toàn Cầu (Hyperlogy) - cho biết Công ty giới thiệu tại Diễn đàn lần này Nền tảng định danh điện tử Smart eKYC Platform, giúp các ngân hàng thuận tiện trong mở rộng khách hàng cũng như giúp định danh khách hàng hiện hữu một cách nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm chi phí.
Sản phẩm này có thể sử dụng đa kênh, như: Mobile App, Web Browser, IoT (Chẳng hạn như định danh bằng các thiết bị Kiosk, STM, VTM), Desktop App,... Bên cạnh đó, Smart eKYC Platform ứng dụng công nghệ sinh trắc học (Biometric) như nhận diện khuôn mặt (FaceID), vân tay (Fingerprint), tách chữ bằng AI/Deep Learning, giúp định danh và xác thực được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện, nâng cao trải nghiệm người dùng và hoàn toàn sẵn sàng để tích hợp với các nhà cung cấp dịch vụ định danh điện tử (IDP).
"Không chỉ là nền tảng công nghệ, chúng tôi có sẵn hệ sinh thái ứng dụng ngân hàng số (Smart Digital Banking) ứng dụng nền tảng công nghệ này, bao gồm Smart Form, Smart Booking, Smart API, Smart Self Service, Smart Auto Bank, Smart RM,.... Hệ sinh thái của chúng tôi giúp thuận tiện trong sử dụng, giảm thời gian giao dịch 15 lần,.... điều này làm tăng sự hài lòng của người dùng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng. Đặc biệt, hệ sinh thái này đã được ứng dụng tại nhiều ngân hàng ở Việt Nam như MB, An Bình, SHB,... từ nhiều năm nay", ông Vinh cho biết.
Bên cạnh những giải pháp cụ thể cho những quy trình nghiệp vụ chuyên sâu, các chuyên gia đều thống nhất rằng ở tầng "bề mặt" của các hoạt động ngân hàng, thì người dùng không cần biết toàn bộ những bài toán phía sau mà chỉ cần thụ hưởng những dịch vụ tốt nhất, mang lại trải nghiệm tích cực nhất. Đó là sự thuận tiện, an toàn, chi phí thấp trong sử dụng dịch vụ ngân hàng... Vì vậy, dù lựa chọn công nghệ gì, từ nhà cung cấp giải pháp nào... vẫn chỉ là xoay quanh câu chuyện gia tăng trải nghiệm tích cực với người dùng, đồng thời số hóa dịch vụ, mở rộng thị trường cho ngân hàng.