Ngành y tế trước nhu cầu đẩy mạnh số hóa để nâng cao hiệu suất và hỗ trợ chuyên môn

Tạp chí Nhịp sống số - Ngày 23/9, Zebra Technologies công bố kết quả của nghiên cứu mới nhất về tầm nhìn trong ngành y tế. Theo đó, 70% các lãnh đạo bệnh viện cho rằng cần đầu tư nhiều hơn để nâng cao hiệu suất làm việc của nhân viên

Báo cáo toàn cầu "Bệnh viện được kết nối nhiều hơn và thông minh hơn" cho thấy các đơn vị khám chữa bệnh cam kết ứng dụng các công cụ công nghệ tiên tiến để nâng cao khả năng ứng phó và số hóa quá trình chữa bệnh của bệnh nhân.

89% các lãnh đạo bệnh viện và 83% các bác sĩ được khảo sát đều cho rằng rất cần thông tin theo thời gian thực để chăm sóc tối ưu bệnh nhân, và các bệnh viện đang đầu tư ngày càng nhiều vào các công cụ đảm bảo tính di động trong bệnh viện, hệ thống định vị thời gian thực (RTLS) và các giải pháp quy trình làm việc thông minh để hỗ trợ các quy trình công việc được kết nối nhiều hơn và thông minh hơn. Tuy nhiên, hơn 2/3 (67%) các lãnh đạo bệnh viện cho rằng tổ chức của mình chưa đầu tư đủ để nâng cao hiệu suất làm việc của nhân viên và vẫn còn nhiều việc phải làm trong tương lai.

Ông Christanto Suryadarma, Phó Chủ tịch phụ trách Kinh doanh khu vực Đông Nam Á, Zebra Technologies châu Á - Thái Bình Dương cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài đang thách thức khả năng chịu đựng của các hệ thống y tế ở Đông Nam Á, các đơn vị khám chữa bệnh càng phải tích cực hơn nữa trong việc áp dụng đổi mới công nghệ để hỗ trợ tốt hơn nhu cầu của cả bác sĩ và bệnh nhân.

Khoảng 2/3 lãnh đạo bệnh viện xác nhận rằng các bác sĩ và điều dưỡng viên bị quá sức trong các ca làm việc và mất quá nhiều thời gian để tìm thiết bị và vật tư y tế. Hơn 50% lãnh đạo bệnh viện nói rằng nhân viên hành chính của họ cũng bị quá tải và không thể hoàn thành nhiệm vụ trong ca làm việc.

Khi sự an toàn và sức khỏe của người dân được coi là ưu tiên hàng đầu, các lãnh đạo bệnh viện đang chuyển sang giải pháp công nghệ để giúp các bác sỹ giảm mệt mỏi, giảm thiểu sai sót gây ra bởi các quy trình thủ công và giải pháp tạm thời, đồng thời tập trung thời gian cho chăm sóc bệnh nhân.

Cụ thể, khoảng 80% các lãnh đạo bệnh viện có kế hoạch tự động hóa quy trình làm việc trong năm tới để cải thiện khả năng quản lý chuỗi cung ứng, giúp dễ dàng định vị các công cụ trang thiết bị vật tư y tế thiết yếu, bố trí sử dụng hiệu quả hơn các phòng cấp cứu và phòng mổ, cũng như sắp xếp hợp lý thời biểu của nhân viên.

Khoảng 3/4 các lãnh đạo đang có kế hoạch sử dụng các công nghệ định vị như công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) để theo dõi thiết bị và bệnh phẩm tốt hơn, đồng thời cải thiện việc di chuyển bệnh nhân và an ninh. Họ cũng bắt đầu sử dụng các giải pháp định vị để tạo ra quy trình làm việc năng động hơn và nâng cao hiệu suất, mức độ an toàn và tuân thủ của nhân viên.

Trong số các lãnh đạo trên cho biết họ sẽ tích hợp các giải pháp tương lai như cảm biến IoT, phân tích dự báo và trí tuệ nhân tạo (AI) để cải thiện hoạt động chăm sóc bệnh nhân nội trú và ngoại trú, cũng như tạo điều kiện cho các bác sĩ khám bệnh và trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp từ xa.

Ông Suryadarma thông tin, các công nghệ định vị và giải pháp tự động hóa thông minh được thiết kế để giúp các nhà quản trị bệnh viện xác định và loại bỏ những thiếu sót trong các luồng công việc của quá trình điều trị bệnh nhân. Xác định, theo dõi, định vị và giám sát tình trạng của mọi bệnh nhân, nhân viên và vật tư trang thiết bị là những yếu tố thiết yếu để cải thiện quy trình làm việc của các bác sĩ tuyến đầu và nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân.

Đa số người tham gia khảo sát (84%) tin rằng chất lượng chăm sóc bệnh nhân sẽ được cải thiện nếu các y tá, bác sĩ và nhân viên y tế phi lâm sàng có thể tiếp cận các công cụ cộng tác và được sử dụng thiết bị di động của họ để truy cập các ứng dụng y tế. Đây là một kết quả khá bất ngờ trong bối cảnh các công nghệ di động đã được sử dụng trong các quy trình làm việc lâm sàng và phi lâm sàng trong nhiều năm qua.

Có thể bạn quan tâm