Serial Number (S/N) không chỉ giới hạn trên điện thoại, bạn có thể tìm thấy dãy số này trên rất nhiều thiết bị như chuột, bàn phím, laptop. Ví dụ như RZ8130… hoặc YN441… tùy vào cách đặt tên của nhà sản xuất.
Thông thường, Serial Number sẽ được in trên nắp hộp và bên trong phần cài đặt của thiết bị. Người dùng khi mua điện thoại có thể kiểm tra xem hai dãy số này có trùng nhau không bằng cách vào Settings (cài đặt) > About phone (thông tin điện thoại) > Status (trạng thái).
Nhiều người dùng đã đặt ra câu hỏi liệu rằng tội phạm mạng có thể sử dụng Serial Number để tấn công smartphone được không? Câu trả lời là không, nhưng việc công khai dãy số này trên Internet đôi khi có thể khiến bạn vướng vào các rắc rối không đáng có.
Nếu Serial Number là dãy số quan trọng và cần phải bảo mật, nhà sản xuất sẽ không in rõ ràng trên nắp hộp cũng như thiết bị, bởi việc ghi lại các dãy số này tại những cửa hàng điện tử tương đối dễ dàng.
Serial Number được sử dụng chủ yếu trong việc sửa chữa và bảo hành sản phẩm. Các nhà sản xuất sẽ dùng dãy số này để đối chiếu, xác định danh tính cũng như kiểm tra xem sản phẩm có còn thời hạn bảo hành. Tuy nhiên, trong trường hợp ai đó có được Serial Number thiết bị của bạn, họ có thể làm giả để yêu cầu thay thế hoặc sửa chữa, nhưng những vụ việc như trên xảy ra rất thấp.
“Việc chia sẻ số serial của sản phẩm không bao giờ là một ý tưởng tốt. Model và số serial của thiết bị còn được bảo hành có thể bị chiếm dụng vào mục đích gian lận sản phẩm”, đại diện của một công ty công nghệ cho biết.
Do đó, tốt hơn hết người dùng nên cẩn trọng khi chia sẻ Serial Number, IMEI… lên mạng xã hội hoặc các diễn đàn công cộng, bởi trong trường hợp chính sách của nhà sản xuất linh hoạt, nó có thể dẫn đến các vụ sửa chữa gian lận.
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ thông tin cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.