Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA) mới đây đã công bố một bản báo cáo về tình trạng lừa đảo tại các quốc gia và khu vực thuộc châu Á, trong đó có Việt Nam.
Báo cáo này được thực hiện bởi GASA, Gogolook và đối tác tại Việt Nam là dự án Chống lừa đảo.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, nhiều quốc gia châu Á đã nỗ lực chuyển hoạt động của nền kinh tế và người dân lên môi trường số.
Điều này cũng kéo theo sự gia tăng đáng kể của hoạt động lừa đảo trên không gian mạng, đặc biệt là ở Đông Nam Á.
Trong đó, Hồng Kông (Trung Quốc) là nơi có tỷ lệ lừa đảo trên mạng cao nhất, với 45% số người được hỏi cho biết họ gặp phải lừa đảo hằng ngày, 26% gặp phải lừa đảo hằng tuần, cao hơn đáng kể so với các khu vực khác.
Tiếp đến là Thái Lan, quốc gia có tần suất lừa đảo cao thứ hai, với 16% người gặp phải lừa đảo hằng ngày và 30% gặp phải lừa đảo hằng tuần.
Ở chiều ngược lại, tần suất gặp lừa đảo tại Philippines, Nhật Bản, Indonesia và Trung Quốc ở mức tương đối thấp.
Với Việt Nam, số liệu của GASA cho thấy nước ta thuộc nhóm đứng giữa với khoảng hơn 10% người khảo sát cho biết họ gặp phải lừa đảo hằng ngày, 20% nói rằng gặp lừa đảo mỗi tuần và khoảng 25% cho biết gặp lừa đảo vài tháng 1 lần.
Theo Giám đốc điều hành GASA, ông Jorij Abraham, các phương thức truyền thống như gọi điện và nhắn tin SMS vẫn là kênh tiếp cận nạn nhân phổ biến nhất của những kẻ lừa đảo.
Thống kê từ phần mềm định danh người gọi Whoscall cho thấy, số cuộc gọi và tin nhắn lừa đảo trung bình mỗi người châu Á nhận được đã tăng từ 8,9 cuộc gọi vào năm 2020 lên 15 cuộc gọi vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm là 29,8%.
Số liệu của Liên minh chống lừa đảo toàn cầu cũng chỉ ra rằng, cuộc gọi và tin nhắn SMS lừa đảo chiếm hai vị trí dẫn đầu trong các kênh lừa đảo phổ biến ở 8 trên 11 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia khảo sát.
Tại Việt Nam, 80,2% người được hỏi cho biết từng bị kẻ lừa đảo tiếp cận qua cuộc gọi điện thoại, 57,5% qua tin nhắn SMS và 49,9% qua ứng dụng nhắn tin OTT.
Các nền tảng số như mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin, diễn đàn, trang thương mại điện tử và quảng cáo số cũng trở thành điểm nóng cho các hoạt động lừa đảo.
Nhìn chung, ngoại trừ tại Trung Quốc, ở tất cả các quốc gia tham gia khảo sát, Facebook luôn nằm trong top 5 nền tảng mà người dùng gặp rủi ro lừa đảo cao nhất.
Tại Việt Nam, tỷ lệ rủi ro về lừa đảo mà người dùng phải đối mặt khi sử dụng Facebook là 71,5%. Tỷ lệ này là 29,5% với Gmail, 28% với Telegram, 12,9% với Google và 12,8% với TikTok.
Những kịch bản lừa đảo phổ biến nhất tại Việt Nam là lừa đảo đầu tư tài chính (12.5%), lừa đảo mua sắm (12,3%), đánh cắp dữ liệu (12,2%), lừa đảo việc làm (9%) và lừa đảo từ thiện (4,8%).
Nguyên nhân khiến nạn nhân rơi vào bẫy thường là do không nhận ra các hoạt động lừa đảo, phản ứng quá nhanh trước yêu cầu của kẻ lừa đảo, thiếu kiến thức, bị lôi kéo bởi các ưu đãi, chấp nhận rủi ro dù không chắc chắn, quá tin tưởng bạn bè hoặc thành viên gia đình.
Ở Việt Nam, 15,9% nạn nhân cho biết không nhận ra được trò lừa đảo, nhưng có tới 21,9% người trở thành nạn nhân do bị kẻ lừa đảo đánh vào lòng tham bằng những ưu đãi hấp dẫn, khoảng 18% người dùng phản ánh quá nhanh trước yêu cầu của kẻ lừa đảo.
Có một con số đáng lưu ý, chỉ 26% người bị lừa đảo ở Việt Nam báo cáo vụ việc lên cơ quan chức năng, xếp thứ 10 trong 11 quốc gia khảo sát.
Nguyên nhân dẫn tới tâm lý “ngại báo cáo” là do quy trình quá phức tạp, nhiều người cho rằng việc báo cáo hay không cũng không tạo ra sự khác biệt gì.
Chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu, người sáng lập dự án Chống lừa đảo cho hay, thông qua khảo sát, có một con số tích cực là tới 63,9% người Việt Nam được hỏi cảm thấy tự tin trước những chiêu trò của kẻ lừa đảo.
“Sự tự tin của người dùng là minh chứng cho hiệu quả của việc giáo dục nhận thức cộng đồng về các trò lừa đảo và cũng thể hiện mức độ phổ biến của các chiêu trò này. Tuy vậy, ở một góc nhìn khác, việc quá tự tin có thể dẫn đến tâm lý chủ quan, khiến người dùng dễ rơi vào bẫy. Duy trì thói quen hoài nghi và xác minh mọi thông tin chính là chìa khóa để tránh khỏi lừa đảo”, ông Hiếu nói.