Guy Fawkes - Kẻ mưu sát hoàng gia Anh
Guy Fawkes là một thành viên của nhóm tín đồ Công giáo Anh vào thế kỷ XVI, dự định thực hiện vụ đặt thuốc nổ mưu sát Vua James I và các thành viên hoàng tộc. Vụ việc bị phát giác khiến kế hoạch của Guy Fawkes phá sản và ông cũng phải chịu án tử hình.
Ban đầu ông đã chôn 36 thùng thuốc nổ dưới nền gạch tòa nhà quốc hội London, dự định sẽ cho nổ tung và giết hại luôn toàn bộ gia đình Hoàng gia, nhất là vua James I. Từ lâu, Guy Fawkes đã bất mãn với sự thống trị chuyên quyền của Hoàng gia Anh. Trước cuộc họp Quốc hội vài giờ, lính canh phát hiện ra hành tung bí ẩn của Guy Fawkes và bắt giữ ông.
Năm 1606, ông bị kết tội phản quốc và bị xử tử bằng cách treo cổ. Thi thể của ông được đưa tới bốn vùng khác nhau để thị uy dân chúng. Trước khi chết, vua James I muốn Guy Fawkes khuất phục nhưng đáp lại chỉ là nụ cười bí ẩn của ông.
Ông đã được nhắc đến trong phim ảnh, văn học và âm nhạc qua các tác phẩm của nhà văn Charles Dickens hay nhạc sĩ John Lennon. Tên ông cũng được đặt tên cho một vài địa danh như Isla Guy Fawkes (đảo Galapagos) hay sông Guy Fawkes (Australia).
Ngày 5.11 được Anonymous coi là “ngày truyền thống” của tổ chức này. Chính ngày này vào năm 1605, Guy Fawkes đã thực hiện âm mưu ám sát nhà vua James I và bất thành.
Mặt nạ Guy Fawkes được chọn vì...rẻ
Tháng 1.2008, đoạn video phỏng vấn diễn viên Tom Cruise về giáo phái Scientology bị rò rỉ và được đăng tải trên Youtube. Nhà thờ thuộc giáo phái này đã tuyên bố lí do bản quyền và yêu cầu Youtube gỡ bỏ nội dung này. Anonymous rất tức giận và đáp trả bằng chiến dịch Project Chanology: Hàng loạt cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDOS), điện thoại nặc danh và bom thư đã dội tới trụ sở chính của nhà thờ Scientology.
Chưa hài lòng với việc thực hiện các cuộc tấn công ảo, Anonymous quyết định biểu tình tuần hành để phản đối các đòi hỏi phi lý, vi phạm tự do internet của nhà thờ Scientology.
Tuy nhiên, nhu cầu bức thiết lúc này trong cuộc biểu tình là phải giữ danh tính các thành viên “ẩn danh”, đúng như tên gọi của tổ chức để tránh gây phiền nhiễu về sau. Theo lời đại diện Housh của nhóm Anonymous, mặt nạ Guy Fawkes được quyết định chọn gần như ngay lập tức. Hình ảnh này từng xuất hiện năm 1980 trong serie truyện tranh “V for Vendetta” và bước vào màn bạc trong bộ phim cùng tên năm 2005.
Một số thành viên Anonymous khác không đồng tình với quan điểm này, họ đưa ra các gợi ý sử dụng mặt nạ người dơi, mặt nạ dạ vũ… tuy nhiên đều chưa đủ tính thuyết phục. Housh nói rằng sau khi “gọi điện cho các cửa hàng phục trang và truyện tranh, kiểm tra giá cả và nguồn hàng, mặt nạ Guy Fawkes giành chiến thắng”. Housh giải thích rằng quan trọng nhất mặt nạ Guy Fawkes “rất rẻ, tiện lợi và ở thành phố nào cũng có bán”.
Điều bất ngờ là, Housh nói: “Nhân vật Fawkes thực sự chẳng liên quan gì tới nhóm chúng tôi cả”.
Sau đó, hàng ngàn người từ hàng chục thành phố khác nhau đã tham gia vào cuộc biểu tình phản đối sự can thiệp của nhà thờ Scientology với quyền tự do internet. Rất nhiều người ủng hộ đeo mặt nạ Guy Fawkes. “Hình ảnh, video ngay lập tức đăng tải và làm náo loạn toàn thế giới”, Gabriella Coleman, tác giả cuốn sách Quyền tự do code: đạo đức và mỹ học của hacker chia sẻ. “Phong trào phản đối gây ra tác động cực mạnh lên toàn cầu”. Anonymous nghiễm nhiên trở thành một hiện tượng.
Hình ảnh người đàn ông mặc vest không đầu đeo mặt nạ Guy Fawkes rất ấn tượng. Nó đơn giản, trần trụi và bí ẩn. Chính điều này làm nên sức hấp dẫn của Guy Fawkes. Kết hợp với tuyên ngôn của Anonymous, mặt nạ Guy Fawkes càng trở nên quyến rũ: Thực thể quyền lực nhất trên hành tinh không phải là một chính phủ hay một tổ chức đa quốc gia. Một người bất kì mà bạn gặp trên tàu điện ngầm có thể chính là người thao túng thế giới.
Gương mặt lạnh tanh của Guy Fawkes giúp thông điệp này càng lan truyền mạnh mẽ, nhất là thời điểm quyền tự do thực sự của con người đang bị xâm phạm nghiêm trọng.
Cũng chính từ sự kiện biểu tình rầm rộ phản đối nhà thờ Scientology năm 2008, Anonymous chính thức được toàn thế giới biết tới. Mặt nạ Guy Fawkes cũng bán chạy hơn bao giờ hết.