Nhân sự ngành Blockchain dự kiến bùng nổ trong năm 2022

Nhân sự ngành Blockchain dự kiến bùng nổ trong năm 2022
Tạp chí Nhịp sống số - 2021 được cho là năm bùng nổ của thị trường Blockchain và dự kiến trong năm 2022, nền tảng công nghệ này tiếp tục phát triển mạnh, đặc biệt là về nguồn nhân lực.

Công nghệ Blockchain (chuỗi khối) được ví như sổ cái kỹ thuật số giúp lưu trữ dữ liệu một cách bảo mật. Nhiều quốc gia trên thế giới đã nhận ra tiềm năng của công nghệ này và tìm cách áp dụng vào các lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán, y tế, giáo dục, bán lẻ, nông nghiệp... để truy xuất, quản lý dữ liệu hiệu quả hơn.

Trong vài năm trở lại đây, các dự án Blockchain ở Việt Nam phát triển một cách nhanh chóng và đa dạng. Ngày càng có nhiều công ty khởi nghiệp chuyên về Blockchain do người Việt sáng lập, được bạn bè quốc tế công nhận.

Không chỉ các startup mới nắm bắt cơ hội, mà nhiều tỉnh, thành Việt Nam cũng đang vận dụng Blockchain thực hiện các giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng, giao thông, phát triển đô thị, đem lại nhiều tiện ích cho người dân. Một số doanh nghiệp sử dụng Blockchain để quản lý hồ sơ sức khỏe bệnh nhân, hoặc áp dụng vào giao dịch trên ngân hàng số.

Chính phủ Việt Nam khẳng định Blockchain sẽ là một trong những lĩnh vực công nghệ số nằm trong danh mục ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Quyết định số 2813/QĐ-BKHCN phê duyệt Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025, trong đó Blockchain được xếp thứ 2 sau trí tuệ nhân tạo (AI) trong loạt các sản phẩm của công nghệ chủ chốt.

Chia sẻ về bức tranh tăng trưởng của công nghệ Blockchain, ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Decom Holdings đưa ra ví dụ về sàn giao dịch như Coinbase từng được định giá trên 80 tỉ USD, hay sàn Binance được cho là có giá trị khoảng 300 tỉ USD. Tại Việt Nam, tựa game Axie Infinity mới đây cũng huy động được 150 triệu USD, nâng định giá công ty tới 3 tỉ USD.

Cơn "khát" nhân lực Blockchain

Với tiềm năng vô cùng lớn, không lạ gì khi nhu cầu tuyển dụng nhân sự Blockchain ở Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây. Tại Diễn đàn TechSummit 21, ông Phan Dũng, CMO DecomWings nhận định: "Năm 2022 dự đoán sẽ có nhu cầu tuyển dụng lớn các nhân sự ngành Blockchain và Crypto. Xu hướng này đã bắt đầu ở Mỹ khi nhiều người nhảy việc, chuyển sang lĩnh vực này, thậm chí có nhiều trung tâm đào tạo về ngành Blockchain".

Mới đây, báo cáo từ mạng xã hội LinkedIn khẳng định nhu cầu tuyển dụng lập trình Blockchain sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2022. Dữ liệu cho thấy trong khoảng thời gian từ năm 2020 - 2021, các tin tuyển dụng có từ khóa "Blockchain" đã tăng 395% so với cùng kỳ ở Mỹ.

Chỉ riêng các vị trí như "kỹ sư Blockchain", "lập trình viên Blockchain" đã chiếm 15,64% trong tổng số việc làm đang được tuyển dụng trên LinkedIn, chứng tỏ ngành Blockchain đang có sức hút không thể chối từ trong thị trường việc làm.

Ngay cả Việt Nam, dựa theo một số báo cáo về thị trường lao động, nhóm ngành liên quan đến Blockchain, Trí tuệ nhân tạo (AI)... chiếm tỷ trọng lớn và có nhu cầu nhân lực rất cao.

Bà Tuyết Bùi, Giám đốc sáng tạo của KardiaChain kiêm Giám đốc Metaverse của Whydah chia sẻ: “Blockchain là khái niệm còn rất mới. Ở góc nhìn của người làm sản phẩm công nghệ, trải nghiệm của người dùng đối với các ứng dụng Blockchain vẫn cần thân thiện hơn, cần có sự dẫn dắt thông minh, cần có nhiều thử nghiệm để mang đến cho người dùng các tương tác dễ dàng hiệu quả. Chính vì thế việc thiết kế trải nghiệm cho người dùng Blockchain đang mở ra rất nhiều cơ hội thu hút các bạn trẻ muốn khám phá, muốn là những người đầu tiên thiết kế vẽ đường cho mọi người tiếp cận vũ trụ mới, vũ trụ Web 3.0, một cách thân thiện nhất, nhanh nhất, đơn giản nhất”.

Trong khi đó, ông Phan Đức Trung cho rằng: “Tìm kiếm lực lượng kỹ sư công nghệ Blockchain đang là một trong những vấn đề bức thiết nhất để phát triển ngành công nghiệp này tại Việt Nam".

Tầm quan trọng của giáo dục

Mặc dù các ngành học liên quan đến công nghệ Blockchain rất được quan tâm, cơ hội nghề nghiệp rộng mở, nhưng lực lượng tham gia học tập, nghiên cứu thực tiễn vẫn còn là con số ít, cơ sở giáo dục phục vụ quá trình đào tạo nền tảng Blockchain vẫn chưa được đẩy mạnh.

Xét về chất lượng, nhân lực nhóm ngành công nghệ đang đối diện với nhiều thách thức, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn thậm chí buộc phải đóng cửa vì thiếu hụt nhân sự. Do đó, cần có một kế hoạch hợp tác giữa ba bên: nhà trường, doanh nghiệp và cộng đồng để thúc đẩy quá trình đào tạo nhân lực cho nền tảng 4.0 quan trọng này.

Nhân sự ngành Blockchain dự kiến bùng nổ trong năm 2022

SHUTTERSTOCKDiễn đàn Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năm 2020 từng đưa ra thông điệp “Make in Việt Nam” - “Việt Nam sẽ không chọn làm đại công xưởng của thế giới”, mà thay vào đó Việt Nam sẽ chủ động tham gia hội nhập công nghệ. Để thực hiện phương châm này, vai trò của giáo dục là vô cùng quan trọng. Nhằm thúc đẩy nguồn nhân lực cho tương lai giúp công nghệ Việt Nam tỏa sáng trên bản đồ thế giới, chính phủ và các doanh nghiệp trong lĩnh vực này phải bắt đầu từ giáo dục, giúp đưa kiến thức nền tảng, chính thống về Blockchain đến với nhiều người hơn.

Trước mắt, Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông đã đào tạo về Blockchain cho bậc đại học và thạc sĩ. Viện Quốc tế Pháp ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có chương trình đào tạo về Fintech, với Blockchain là một môn học bắt buộc. Ngoài ra, còn có các phòng thí nghiệm Blockchain giúp sinh viên bước đầu làm quen với công nghệ này, như phòng thí nghiệm Blockchain của Học Viện Bưu chính Viễn thông...

Có thể bạn quan tâm