Nhật Bản chế tạo robot ngón tay thứ sáu

Nhật Bản chế tạo robot ngón tay thứ sáu
Tạp chí Nhịp sống số - Bangkok Post đưa tin các nhà khoa học Nhật Bản và Pháp đã thành công chế tạo robot ngón tay thứ sáu có thể lắp vào bàn tay, cử động như một ngón tay thật.

Thực tế, ngón tay thứ sáu được tạo ra với mục đích nghiên cứu cách não người phản ứng trước những bộ phận cơ thể ngoại lai. Đã có nhiều nghiên cứu về phản ứng của não với các chi giả, nhưng trong những năm gần đây, các nhà khoa học bắt đầu nhận thấy tiềm năng trong lĩnh vực body modification (cải biến thân thể) và tiến hành thử nghiệm với những bộ phận nhỏ gọn, độc lập như ngón tay giả. Vì bàn tay con người vốn đã hoàn thiện với 5 ngón tay, các nhà khoa học muốn biết bộ não có thể đón nhận và làm chủ ngón tay mới hay không.

Bên cạnh phục vụ mục đích nghiên cứu, ngón tay thứ sáu còn hỗ trợ con người trong nhiều hoạt động hằng ngày. Trong đoạn video đăng tải trên Reuters, ta có thể thấy ngón tay thứ sáu giúp người đeo gõ bàn phím nhanh hơn, cầm được nhiều vật dụng trên tay cùng lúc…

Để sử dụng ngón tay thứ sáu, người tham gia thí nghiệm sẽ lắp các cảm biến trên cánh tay để đo lường tín hiệu điện tử. Các tín hiệu này được truyền tới động cơ, giúp người đeo có thể điều khiển ngón tay thứ sáu.

Trong bài viết trên trang web chính thức của Đại học Truyền thông Điện tử, các nhà khoa học đặt câu hỏi: "Liệu bộ não có thể xem một bộ phận cơ thể nhân tạo, độc lập như một phần của chính nó được không?". Qua thí nghiệm với ngón tay thứ sáu, họ đặt ra giả thuyết rằng bộ não của chúng ta có thể nắm quyền kiểm soát ngay cả với các chi giả độc lập.

Giáo sư Yoichi Miyawaki của Đại học Truyền thông Điện tử cho biết: “Chúng ta biết rằng có thể dùng não để điều khiển cơ thể, nhưng khi ta thêm vào một bộ phận cơ thể mới, liệu não bộ có thể thích nghi? Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu này vì quan tâm đến việc bộ não sẽ chấp nhận ngón tay thứ sáu hay sẽ loại bỏ nó…”. Ông tin rằng nghiên cứu về ngón tay thứ sáu và những bộ phận cơ thể nhân tạo sẽ là nền tảng để con người tương lai có thể tự do “thiết kế” cơ thể mình theo ý thích, xóa nhòa ranh giới giữa người bình thường và khuyết tật.

Trước đây, một nhóm nghiên cứu từ Đại học London (Anh) đã tiến hành thử nghiệm robot ngón tay cái với mục đích tương tự. Họ chế tạo ngón tay cái bằng phương pháp in 3D, có thể đeo ngón tay giả bên cạnh ngón út của bàn tay. Người đeo điều khiển ngón cái bằng các cảm biến áp suất được gắn ở mặt dưới của ngón chân cái. Giáo sư Tamar Makin thuộc Viện Khoa học Thần kinh Đại học London cho biết: "Cải biến cơ thể là một lĩnh vực đang phát triển, hướng đến việc mở rộng khả năng thể chất của chúng ta, nhưng chúng ta còn chưa hiểu rõ bộ não sẽ thích ứng ra sao".

Có thể bạn quan tâm