Giành giật nhân sự blockchain
Việt Nam đang thuộc nhóm nước dẫn đầu về công nghệ blockchain. Ứng dụng công nghệ blockchain đã lan rộng sang các ngành nghề, lĩnh vực như tài chính, giáo dục, y tế, logistics, nông nghiệp… “Với blockchain, chúng tôi thấy đã được ứng dụng vào hơn 50 lĩnh vực khác nhau”, ông Vũ Anh Tú, Giám đốc công nghệ Tập đoàn FPT đánh giá.
Trong đó, riêng nhánh GameFi (game kết hợp công nghệ blockchain và tài chính phi tập trung), theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), số dự án blockchain đã lên tới khoảng 600, trong đó chủ yếu là các dự án về GameFi.
“Một thách thức đến từ việc phát triển quá nhanh của blockchain là các lập trình viên tuy nhiều, nhưng số lượng người làm được và hiểu rõ sức mạnh của mảng này lại không có bao nhiêu. Tình trạng này đã khiến quá trình tuyển dụng nhân sự trong ngành khá khó khăn, trong khi Việt Nam chưa có nhiều chương trình đào tạo đáp ứng được nhu cầu. Sự khan hiếm lập trình viên blockchain có kinh nghiệm dẫn đến ứng tuyển không liên tục thành một chuỗi, ảnh hưởng đến quá trình phát triển sản phẩm và buộc nhiều dự án tiềm năng phải bỏ ngỏ”, ông Trịnh Ngọc Đức, Giám đốc Công ty Phát triển tựa game Fight Of The Ages (FOTA) chia sẻ.
Nếu tính theo công thức một quốc gia cần 1% dân số để phát triển những ngành mới, thì Việt Nam phải cần ít nhất 1 triệu nhân lực blockchain. Tuy nhiên, số lượng nhân sự mới chỉ đáp ứng phần nhỏ nhu cầu của thị trường.
“Nhân sự hiện có chỉ đáp ứng 15-20% nhu cầu tuyển dụng của thị trường. Mới đây, 3 nhân sự của công ty nghỉ việc vì được công ty đối thủ mời gọi trả lương cao gấp 3. Câu chuyện này cho thấy thị trường khát nhân sự như thế nào. Một kỹ sư sinh năm 1995, chỉ sau vài tháng được đào tạo từ các chuyên gia quốc tế đã nhận lương gấp 2-3 lần. Nhiều công ty trong nước đang phải cạnh tranh nhân tài, chưa kể trong tương lai, khi các công ty quốc tế gia nhập nhiều hơn, thì bài toán nhân sự blockchain sẽ càng trở nên phức tạp”, ông Kevin Tùng Nguyễn, nhà sáng lập, kiêm CEO của JobHopin chia sẻ.
Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, chuyên gia thuộc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, nhân sự là vấn đề với nhiều công ty blockchain Việt Nam.
“Trao đổi với một số đại diện công ty blockchain của Việt Nam, họ chia sẻ việc gặp khó khăn do thiếu nhân sự, cạnh tranh ‘câu’ người của nhau. Ngành blockchain đang lớn mạnh, nhưng nguồn lực cho ngành vẫn còn thiếu nhiều”, bà Dung cho biết.
"Giải nhiệt" bằng cách nào?
Phân tích về nguyên nhân ngành blockchain thiếu hụt nhân sự, ông Nguyễn Hữu An, đồng sáng lập, kiêm Giám đốc công nghệ Công ty cổ phần Công nghệ SotaTek cho rằng, hiện tại chưa có trường lớp, khóa đào tạo chuyên sâu về công nghệ blockchain, nên nhân sự tự học vẫn là chủ yếu, dẫn đến thiếu lao động trình độ cao trong ngành. Số lượng dự án tăng vọt cũng dẫn đến tình trạng cầu lớn hơn cung.
Để giải quyết vấn đề này, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, một số công ty Việt Nam đang mở rộng sang các thị trường như UAE, Ấn Độ, Hàn Quốc và cả châu Âu để tìm kiếm đội ngũ lập trình.
“Blockchain chưa được giảng dạy trong các trường đại học công nghệ của Việt Nam, nên chúng ta cần tăng cường đào tạo qua các chương trình hợp tác quốc tế. Ngoài ra, các trung tâm đổi mới sáng tạo nên có phòng lab, chương trình đào tạo ngắn hạn, cập nhật công nghệ mới cho sinh viên. Bên cạnh đó, cần tận dụng những doanh nhân công nghệ từ các start-up đã thành công trong lĩnh vực blockchain để quay lại đào tạo nhân lực, bổ sung vào doanh nghiệp mới”, bà Dung đề xuất.
Đồng quan điểm, ông Kevin Tùng Nguyễn cho rằng, cách tốt nhất để giải quyết cơn khát nhân sự hiện tại và tương lai là các đơn vị làm blockchain hàng đầu có thể cùng làm việc với các trường học và chuyên gia hàng đầu thế giới để đào tạo lớp nhân sự kế cận.
Theo ông Cái Đăng Sơn, Giám đốc Bộ phận Product & Engineering của Navigos Group, công nghệ blockchain phát triển mạnh trong thời gian gần đây cũng khiến nhiều doanh nghiệp luôn ở trong thế “săn” nhân tài.
“Việc tăng lương để hút nhân tài chỉ là biện pháp ngắn hạn. Điều doanh nghiệp nên làm là chú trọng các chương trình đào tạo, nâng cao kỹ năng, kiến thức cho đội ngũ lập trình viên. Rủi ro của quá trình này là nhân sự có thể “nhảy việc” khi đã thành thạo kỹ năng để đến những đơn vị có mức lương cao hơn. Để hạn chế tình trạng này, doanh nghiệp cần tạo sự liên kết với người lao động. Doanh nghiệp nên đóng vai trò định hướng phát triển sự nghiệp cho đội ngũ kỹ sư của mình. Điều này sẽ mang tới một sự gắn kết mang tính chất dài hơi”, ông Sơn chia sẻ.
Theo thống kê mức lương dựa trên chuyên môn do VietnamWorks thực hiện trên 1.083 nhân lực ngành công nghệ thông tin, nhóm kỹ sư thuộc lĩnh vực công nghệ mới như blockchain đang nhận mức thu nhập cao nhất.
Có thể thấy rằng, lĩnh vực blockchain đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do các vụ tấn công bảo mật, tình trạng lừa đảo dự án ma và đặc biệt là vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực. Các nhà phát triển dự án, start-up sẽ phải tìm cho mình giải pháp ngắn hạn và dài hạn phù hợp để khắc phục tình trạng này. Nhưng giải pháp nào thì vấn đề đào tạo nguồn nhân lực nhanh, hiệu quả vẫn là chìa khóa để mở ra nút thắt này, chứ không phải là dùng lương cao “câu người” hoặc tuyển dụng ở nước ngoài.
Cơn khát nhân sự blockchain đang diễn ra ở nhiều nước, chứ không riêng ở Việt Nam. Báo cáo từ mạng xã hội LinkedIn khẳng định, nhu cầu tuyển dụng lập trình blockchain sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2022. Dữ liệu cho thấy, trong năm 2020 - 2021, các tin tuyển dụng có từ khóa “blockchain” đã tăng 395% so với cùng kỳ ở Mỹ. Chỉ riêng các vị trí như “kỹ sư blockchain”, “lập trình viên blockchain” chiếm 15,64% tổng số việc làm đang được tuyển dụng trên LinkedIn.