“Nhiều thương hiệu smartphone thuần túy sẽ biến mất và nhiều công ty lớn sẽ rút chân khỏi thị trường smartphone”, Carl Pei, đồng sáng lập OnePlus nói.
Nhận xét của Carl Pei đưa ra trong bối cảnh hàng chục thương hiệu smartphone đua nhau làm ra sản phẩm y hệt nhau nhưng chỉ có Apple kiếm được lợi nhuận và chiếm thị phần tuyệt đối.
OnePlus là điển hình của công ty khởi nghiệp Trung Quốc tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường smartphone và “bòn rút” lợi nhuận từ những tên tuổi lớn như HTC và Samsung. Những công ty như OnePlus không tự mình làm ra smartphone. Họ thuê đơn vị khác thực hiện, rồi sau đó bán trực tiếp cho khách hàng qua Web, và không mất đồng nào cho hệ thống cửa hàng, cửa hiệu phân phối.
Xiaomi, một hãng sản xuất smartphone khác của Trung Quốc, cũng có hình thức kinh doanh tương tự, và hiện đang là một trong những thương hiệu smartphone phát triển nhanh nhất trong ngành, đạt giá trị tới 45 tỉ USD, và là công ty khởi nghiệp giá trị nhất châu Á.
Về phần OnePlus, hãng cũng muốn đạt được vinh quang theo hướng tương tự. Mới đầu, OnePlus còn yêu cầu người dùng phải có thư mời mới được mua điện thoại, nhưng nay cách thức này đã bị loại bỏ để mở rộng phạm vi hoạt động tại các thị trường lớn hơn như Mỹ, châu Âu và Ấn Độ. OnePlus cho biết năm ngoái đã bán được gần 1 triệu chiếc điện thoại và kiếm được 300 triệu USD. Tuy nhiên, con số năm nay vẫn chưa được hãng này tiết lộ.
Trong khi đó, theo Jensen Ooi, nhà phân tích tại IDC, doanh số smartphone toàn cầu đã tăng 1,3 triệu thiết bị trong 9 tháng đầu năm nay, trong đó khu vực châu Á – TBD chiếm tới 57%.
Vấn đề ở chỗ, không có hãng nào kiếm được lợi nhuận, trừ Apple – hiện đang chiếm tới 90% lợi nhuận của toàn ngành công nghiệp smartphone. “Về ngắn hạn, chẳng ai có thể giàu lên nhờ smartphone”, Jensen Ooi nói.
Thời buổi một chiếc điện thoại giá rẻ có thể trụ vững chỉ nhờ thông số kỹ thuật đã không còn nữa. Chỉ sử dụng vi xử lý nhanh nhất, camera độ phân giải cao nhất vẫn chưa đủ. Thay vào đó, các nhà sản xuất smartphone phải biết cách khơi dậy cảm xúc của khách hàng, lôi kéo họ đến với sản phẩm của mình.
Thậm chí Xiaomi hiện cũng đối mặt với nhiều vấn đề. Hãng đã không đạt được kỳ vọng như dự báo trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại, đồng thời vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ thị trường quốc tế. Trong khi đó, các hãng sản xuất điện thoại khác, kể cả HTC – từng là nhà phân phối smartphone lớn nhất tại Mỹ, hay như Amazon với sản phẩm điện thoại Fire, cũng gặp rắc rối.
“Chúng tôi đang cố tìm ra lối thoát”, Carl Pei nói.
Theo khảo sát do OnePlus thực hiện, chỉ có 6% người mua smartphone quan tâm tới thương hiệu. Trong khi OnePlus đặt mục tiêu có từ 10 – 15 triệu khách hàng. Hãng này cũng phải căng mình ra trước áp lực vốn. Do là công ty tư nhân nên tiền của OnePlus không nhiều. Hãng không thể cạnh tranh với Xiaomi theo cách thông thường. Thay vào đó, OnePlus chỉ tập trung vào một vài sản phẩm chính và bán tại các thị trường hỗ trợ tốt cho mô hình phân phối hàng trực tuyến.
Carl Pei cho biết năm ngoái OnePlus vẫn kiếm được lợi nhuận kha khá trên doanh thu 300 triệu USD. Ông này từ chối tiết lộ mục tiêu doanh thu năm nay, chỉ nói rằng OnePlus đã mở rộng quá nhiều hạng mục sản phẩm. “Chúng tôi đã cắt bỏ nhiều sản phẩm. Thậm chí, chúng tôi còn có 2 hệ điều hành di động, một dành cho smartphone bán tại Trung Quốc, và một dành cho thị trường nước ngoài. Hiện OnePlus đang có 900 nhân viên”.
Carl Pei cũng nói rằng doanh số của OnePlus đang rất tốt, nhất là tại thị trường Ấn Độ, nơi hãng đang hợp tác bán hàng với Amazon. OnePlus cũng có cơ hội tăng trường tại Mỹ, nơi các nhà mạng đang thay đổi chính sách phân phối sản phẩm.