Nhức nhối vi phạm bản quyền video trực tuyến tại Việt Nam

Nhức nhối vi phạm bản quyền video trực tuyến tại Việt Nam
Tạp chí Nhịp sống số - Theo Báo cáo của Media Partners Asia, tình trạng vi phạm bản quyền video trực tuyến đang ngày càng phổ biến, số lượng người dùng trái phép có thể tăng lên 15,5 triệu trong năm 2022, có thể làm thất thoát 348 triệu USD, chiếm 18% doanh thu của toàn ngành video hợp pháp.

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo chuyên đề "Vi phạm bản quyền trực tuyến và các biện pháp ngăn chặn tại Việt Nam" diễn ra ngày 21/7 vừa qua tại Hà Nội.

Sự kiện do Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Liên minh Giải trí và Sáng tạo ACE (Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ - MPA), cùng các đơn vị Tập đoàn Canal+ (Pháp), Paramount Picttures (Mỹ), Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh (VSTV/K+), và Công ty Cổ phần Truyền thông đa phương tiện Thủ Đô (Thủ Đô Multimedia) phối hợp tổ chức.

Đến năm 2027, có thể thất thoát doanh thu đến 456 triệu USD

Theo Báo cáo của Media Partners Asia (MPA - nhà cung cấp độc lập về các dịch vụ nghiên cứu, tư vấn và tư vấn trên các lĩnh vực truyền thông và viễn thông ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương), ngành công nghiệp video trực tuyến của Việt Nam được dự báo sẽ tạo ra doanh thu 249 triệu đô la Mỹ vào năm 2022, trong đó doanh thu từ lượng thuê bao chiếm 15% và video theo yêu cầu (SVOD – thuê bao video theo yêu cầu) chiếm 85%.

Tuy nhiên, sự phát triển và tiềm năng đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng vi phạm bản quyền. Cụ thể, đó là tình trạng truy cập dễ dàng các nội dung video trực tuyến vi phạm bản quyền, với số lượng người dùng trái phép có thể tăng lên 15,5 triệu trong năm 2022. Ước tính, những vi phạm này có thể làm thất thoát 348 triệu USD, chiếm 18% doanh thu của toàn ngành video hợp pháp.

Media Partners Asia khẳng định: “Nếu không kiểm soát được tình hình này, đến năm 2027, số người dùng vi phạm bản quyền có thể tăng tới 19,5 triệu, dẫn tới lượng doanh thu bị thất thoát ở mức 456 triệu USD”.

Ngoài ra, hàng loạt bất cập khác cũng được đề cập đến tại hội thảo, như sự hạn chế về vốn và năng lực của các nhà khai thác; các nội dung vi phạm bản quyền hiện diện nhan nhản trên mạng theo kiểu "chặt chỗ này mọc chỗ khác"... cùng với quan hệ đối tác giữa các công ty viễn thông và các nền tảng OTT không thực sự hiệu quả.

Bên cạnh đó, cơ chế thanh toán cho dịch vụ này còn hạn chế. Khác với nhiều thị trường mới nổi, các công ty viễn thông ở Việt Nam không tích hợp mạnh các dịch vụ OTT của bên thứ ba, một số có tham vọng cung cấp OTT của riêng mình…

Cơ quan chức năng "xử lý không xuể"

ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử phát biểu tại Hội thảo

Theo ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, trên môi trường internet hiện nay có hàng nghìn trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội đang hoạt động, trong đó có các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, YouTube.

Các trang thông tin và mạng xã hội này hằng ngày truyền tải lượng thông tin báo chí, nội dung số, video clip khổng lồ tới hàng triệu người dùng internet. Trong đó, có nhiều nội dung thông tin được lưu trữ, đăng tải trái phép, không thực hiện đúng quy định về trao đổi bản quyền với các chủ sở hữu bản quyền nội dung, gây thiệt hại tới quyền lợi và uy tín của các đơn vị chủ sở hữu nội dung.

Thời gian qua, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã nhận được nhiều yêu cầu xử lý vi phạm bản quyền nội dung, đa số là các nội dung về giải trí, như: bóng đá, phim, game show, ca nhạc... Các hình thức, phương pháp vi phạm bản quyền rất tinh vi và biến đổi liên tục, luôn che giấu thông tin chi tiết và cung cấp dịch vụ theo hình thức xuyên biên giới từ nước ngoài vào Việt Nam. Đáng nói, nhiều trang web bị chặn nhiều lần nhưng vẫn tồn tại theo nhiều tên khác và rất khó chứng minh các web này có liên quan với nhau, tức là sự "phát sinh" các trang này nhanh hơn nhiều so với các giải pháp ngăn chặn.

Bổ sung thêm về điều này, ông Phạm Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Bản quyền nội dung số Việt Nam cũng cho biết - không khó để nhận diện các hành vi vi phạm bản quyền phổ biến hiện nay như livestream, phát trực tiếp trên các mạng xã hội hoặc website; copy nguyên trạng các nội dung đã phát hoặc cắt ghép, chỉnh sửa các video, sau đó đăng tải trái phép lên Internet. Nội dung vi phạm được sử dụng ở nhiều nền tảng như các website, ứng dụng (app) OTT được cấp phép; các website đăng ký tên miền và đặt máy chủ ở nước ngoài; các app OTT lậu được chia sẻ trên Internet hoặc được cài đặt qua các thiết bị Android TV Box; các mạng xã hội phổ biến như Facebook, YouTube, TikTok, Gapo, TalkTV, Instagram, Twitch; các nhà cung cấp nội dung trên mạng di động...

Chính bởi sự tinh vi và diện vi phạm trải rộng như thế nên số trường hợp bị xử lý vẫn còn khá khiêm tốn. Tính đến tháng 6/2022, Trung tâm Bản quyền nội dung số Việt Nam đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng chặn truy cập của người dùng tại Việt Nam trên 500 website vi phạm bản quyền. 

Tìm những giải pháp "căn cơ" từ gốc rễ

Theo báo cáo của Media Partners Asia, nếu kiểm soát tình trạng vi phạm bản quyền sẽ giúp gia tăng giá trị cho các đơn vị trong lĩnh vực này, nhờ vào việc tăng lượng khách hàng hợp pháp và tăng doanh thu của lĩnh vực video trực tuyến cao cấp. Từ đó, có thể tăng gấp đôi giá trị đầu tư cho các nội dung video trực tuyến trong nước lên mức 150 triệu USD vào năm 2027 so với con số hiện tại ước tính là 75 triệu USD. Các biện pháp gia tăng kiểm soát tình trạng vi phạm bản quyền sẽ làm cho khoảng 60% hoặc nhiều hơn số thuê bao trái phép phải chuyển đổi sang các dịch vụ SVOD chi phí thấp và phổ biến ở Việt Nam.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, đẩy mạnh nỗ lực chống vi phạm bản quyền các nội dung video trực tuyến sẽ giúp tăng 3 lần doanh thu video trực tuyến với cấp số nhân đáng kể trong quá trình này. Kiểm soát được tình trạng vi phạm bản quyền sẽ tạo thêm 4.870 việc làm mới cho thị trường lao động nhờ sản lượng lao động trong lĩnh vực video tăng lên 351 triệu USD vào năm 2027, một mức tăng đáng kể so với con số 134 triệu USD hiện nay.

Chia sẻ về giải pháp ngăn chặn vi phạm bản quyền trực tuyến, bà Celine Boyer, Trưởng Phòng An ninh mạng của Tập đoàn Canal+ cho biết tại Pháp, tất cả các trang web lậu có thể truy cập được từ Pháp, bất kể nguồn phát là ở Pháp hay ở các nước khác đều bị chặn. Việc cho phép chặn các trang web từ nước ngoài có lượng truy cập lớn có thể đem lại những tác động to lớn tới tình trạng vi phạm bản quyền (lượng truy cập có thể được đo bởi những công cụ như Similarweb...)

Một điểm quan trọng khác mà bà Celine Boyer chỉ ra là cần phải rút ngắn thời gian tiến hành chặn thông qua việc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có thể thiết lập một công cụ để kết nối giữa đơn vị phát sóng/chủ sở hữu quyền, vừa để thu thập các trang web cần phải chặn cùng với các bằng chứng, vừa kết nối với các ISP để việc chặn truy cập có thể được thực thi một cách gần như tự động bởi các ISP. Ngoài ra, việc chặn các máy chủ phát lậu cũng vô cùng quan trọng, vì vậy cần phải chặn các địa chỉ IP bởi các máy chủ không có DNS.

Song song với những giải pháp trên, cần phải tăng cường nhận thức của cộng đồng, đồng thời cần nêu rõ rằng trang web họ đang cố truy cập là trang web lậu và hướng họ tới những dịch vụ hợp pháp.

Ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng giám đốc Thủ đô Multimedia cũng đã đưa ra giải pháp công nghệ để chủ động ngăn chặn vi phạm bản quyền trực tuyến hiệu quả. Đó là sử dụng Sigma DRM để khóa mã các nội dung có bản quyền khi phân phối trên môi trường Internet kết hợp với Finger Print, để loại bỏ ngay lập tức các luồng phát lậu trực tiếp.

Có thể bạn quan tâm

'Gã khổng lồ' Internet Trung Quốc Baidu cho biết chatbot AI của hãng, Ernie Bot đã có hơn 200 triệu người dùng. Trong khi đó, Alibaba mở thêm truy cập phiên bản LLM 7 tỷ tham số cho nhà phát triển bên thứ ba.