Tính đến nay, trên thế giới đã có hơn 4.000 đồng tiền ảo khác nhau. Rất nhiều trong số này đang được người Việt tham gia. Tuy nhiên chỉ có một số ít đồng tiền thu hút sự chú ý lớn và được mọi người nhớ đến.
Bitcoin và Ethereum
Đây là 2 loại tiền ảo phổ biến nhất hiện nay, có giá cao nhất, được trao đổi nhiều nhất trên thế giới. Người Việt khi tiếp cận 2 đồng tiền này thường đi theo 2 hướng: Giao dịch qua các sàn giao dịch quốc tế hoặc tự khai thác.
Trước đây, trong khoảng thời gian từ 2017 đến 2018, khi Bitcoin, Ethereum tăng giá, nhiều người đã chi cả tỷ đồng để đầu tư dàn “trâu” đào tiền. Đây là những dàn máy tính với rất nhiều card đồ họa, cùng thực hiện giải một phép tính đề được thưởng là những đồng tiền.
Nhưng khi tiền ảo giảm giá trong năm 2018 đến 2019, những dàn máy này bắt đầu được bán lại theo từng linh kiện với mức giá siêu rẻ. Có người đã lãi, nhưng có người phải chịu lỗ vì tham gia thị trường khi tiền ảo bắt đầu giảm giá. Việc đào tiền ảo không chỉ tốn tiền thiết bị, còn tốn tiền điện, tiền thuê nhân công vận hành, thuê mặt bằng khiến mỗi khi bán tiền họ đều chịu lỗ chi phí. Do đó nhiều người chuyển sang kiếm lời từ giao dịch.
Tới đầu 2021, việc khai thác tiền ảo lại trở lại nhưng đối tượng tham gia chính lại là chủ các cơ sở dịch vụ game. Đợt dịch Covid-19 thứ ba khiến cho các điểm dịch vụ game không được mở cửa, các cơ sở này đã tháo card đồ họa để tham gia khai thác tiền ảo.
iFan/Pincoin
Đồng tiền ảo này đã khiến 32.000 nhà đầu tư trong nước mất 15.000 tỷ đồng vào năm 2018. Thực tế đây là một dự án lừa đảo của Công ty cổ phần Modern Tech. Muốn có được đồng iFan, người tham gia phải dùng tiền của mình mua Bitcoin và Ethereum. Sau đó 2 đồng tiền trên được chuyển tới ví của những người đứng đầu iFan. Sau đó họ mới chuyển tiền iFan vào tài khoản của người tham gia.
Để huy động thêm người tham gia, iFan sẽ trả lãi theo mô hình đa cấp. Cuối cùng iFan đã tự sụp đổ, được liệt nhóm coin rác và không còn giá trị. Những nhà đầu tư không thể rút vốn và được trả lãi.
Pi Network
Cơn bão giá tiền ảo vừa qua khiến người dùng trong nước lại rộ lên một loại tiền ảo khác có tên gọi Pi. Nhiều điểm bất thường của đồng Pi đã được Tiến sỹ Đặng Minh Tuấn, Trưởng phòng Lab Blockchain - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chỉ ra. Đó là đồng tiền này không thể khai thác qua cách đào mà hoàn toàn được nhóm phát triển phát không cho người tham gia, cũng không có giao dịch gì nên lúc này không có giá trị.
Nhưng đi ngược lại những lời cảnh báo của chuyên gia, nhiều người vẫn cài ứng dụng Pi Network lên điện thoại của mình với mong muốn một ngày nào đó, số Pi mình giữ sẽ trở thành tiền. Đi kèm với đó là tâm lý “không mất gì tội gì không tham gia” đã khiến cộng đồng người tham gia Pi ở Việt Nam lên tới hàng triệu.
Dù vậy, đồng tiền này vẫn là mối nguy cho bảo mật và thông tin cá nhân khi yêu cầu danh bạ và một số quyền trên điện thoại người dùng.
ADA
Ngay thời điểm viết bài, đồng ADA đang khiến nhiều “nhà đầu tư” tiền ảo trong nước thót tim. Chỉ có giá hơn 1 USD/đồng nhưng rất nhiều người cho rằng giá đồng này sẽ còn tăng trong tương lai.
Tin tức về việc ADA chính thức lên sàn Coinbase của Mỹ đã khiến các nhà đầu tư đổ xô vào đồng tiền ảo này, giúp đồng ADA lập đỉnh mới trước khi tụt dốc cả về giá trị lẫn khối lượng giao dịch.
Điểm đặc biệt của đồng này là hệ thống tự trả lãi cho người đào và giữ đồng tiền. Nhưng nhiều người không biết rằng ADA chỉ là một token blockchain Cardan. Số lượng ADA chỉ có khoảng 45 tỷ đồng và đã được đào hết 75%.
Dù đang có vị trí vốn hóa lớn thứ 5 thế giới nhưng không có gì đảm bảo ADA và Cardan sẽ phát triển đúng lộ trình và còn cơ hội tăng trưởng trong tương lai.