Những ông lớn từng phải ngậm ngùi rời thị trường điện thoại Việt

Những ông lớn từng phải ngậm ngùi rời thị trường điện thoại Việt
Tạp chí Nhịp sống số - Thị trường khốc liệt, về đường dài thì điện thoại Việt chịu không nổi nhiệt.

Mới nhất là thông tin ngày 9/5/2021, Tập đoàn Vingroup đã chính thức công bố VinSmart sẽ dừng việc nghiên cứu, sản xuất tivi và điện thoại di động nhằm tập trung hoàn toàn cho VinFast. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng sẽ không còn được chứng kiến sự ra mắt của bất kỳ mẫu smartphone hay TV nào mang thương hiệu Vsmart nữa.

VinSmart ra đời vào tháng 6/2018, khởi điểm là sản xuất điện thoại thông minh thương hiệu Vsmart. Sau gần 3 năm phát triển, Vsmart đã ra mắt thị trường 19 mẫu điện thoại và 5 mẫu TV.

Thị trường điện thoại thông minh Việt Nam từ lâu được giới chuyên gia đánh giá là đại dương đỏ khi nhiều thương hiệu ra đời nhưng cũng lần lượt rời bỏ thị trường.

Q-mobile

Q-mobile ra đời năm 2008 và ngay lập tức được giới trẻ thời đó yêu thích. Từ năm 2008-2010 là thời hoàng kim của dòng điện thoại Q-mobile, dòng điện thoại này chủ yếu đánh vào phân khúc giá rẻ với chức năng 2 sim.

Q-mobile là thương hiệu Việt được đăng ký và sở hữu bởi ABTEL(hãng BenQ-Siemens ủy quyền cho ABTEL). Hãng này sản xuất và phân phối thiết bị di động đầu cuối với vai trò nghiên cứu, phát triển và định hướng sản phẩm (ODM)

Mobiistar

Mobiistar là thương hiệu điện thoại di động của Mobile Star Corp, ra mắt người dùng Việt Nam từ tháng 6/2009. Từng đạt nhiều thành công song hiện thương hiệu này không còn xuất hiện trong những thương hiệu smartphone top đầu tại thị trường Việt Nam. Ban đầu, hãng chỉ bán những sản phẩm giá rẻ khoảng vài trăm ngàn đồng, tuy nhiên, tới năm 2011, Mobiistar đã quyết định bước vào thị trường smartphone với những thiết bị chạy hệ điều hành Android có giá cả phải chăng.

Tháng 5/2018, thương hiệu smartphone Việt Nam Mobiistar đã gây bất ngờ khi quyết định thâm nhập thị trường Ấn Độ với quy mô hơn 1,3 tỷ dân nhưng cũng đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa hàng loạt thương hiệu lớn nhỏ.

Tuy nhiên đến cuối tháng 6/2019, báo ET Telecom của Ấn Độ cho biết Mobiistar đã "âm thầm" rút lui khỏi thị trường này. CEO Ngô Nguyên Kha sau khi về Việt Nam đầu quân cho Vinsmart. Hiện nay anh đã rời Vingroup và đầu quân sang Seedcom quản lý mảng thời trang.

Trước khi Vingroup đóng mảng smartphone, những ông lớn nào từng phải ngậm ngùi rời thị trường điện thoại Việt vì không chịu nổi nhiệt? - Ảnh 1.

Viettel

Năm 2012, Viettel cho ra mắt chiếc tự sản xuất và hoạt động có tên Sumo 2G V6206. Tại thời điểm này sản xuất thiết bị là 1 trong 4 trụ quan trọng trong chiến lược phát triển của Viettel. Nhiệm vụ chính nhằm làm chủ công nghệ và tự sản xuất các loại thiết bị viễn thông, từ điện thoại di động cơ bản, smartphone, USB 3G, tablet và máy tính PC All-in-one.

Sau này, Viettel tiếp tục ghi dấu với một số mẫu smartphone như V8404 và V8403 có giá bán rất vừa túi tiền khoảng 1,5 triệu đồng.

Tuy nhiên hiện nay Viettel đã từ bỏ việc sản xuất sản phẩm, thay vào đó là "bắt tay" các nhà sản xuất thiết bị phổ cập smartphone toàn dân giá từ 600.000 đồng bằng chính sách trợ giá.

VNPT

Tại triển lãm Vietnam Telecomp 2013, VNPT Technology đã bất ngờ cho ra mắt dòng smartphone đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam với tên gọi Vivas Lotus S1. Theo giới thiệu đây là sản phẩm được VNPT Technology đầu tư sản xuất từ khâu thiết kế, lắp ráp đến khâu đánh giá chất lượng, cũng như phát triển hệ sinh thái cho sản phẩm gồm ứng dụng và dịch vụ.

Tuy nhiên từ 2017 đến nay, VNPT lặng lẽ không ra mắt thêm mẫu điện thoại nào cũng có thể xem là quyết định rời khỏi thị trường sản xuất điện thoại vốn dĩ cạnh tranh khốc liệt.

Trong lần trả lời phỏng vấn Zing, ông Mai Triều Nguyên, Giám đốc hệ thống bán lẻ Mai Nguyên ở TP.HCM, từng nhận định về cái chết từ từ của điện thoại Việt.

Theo ông Nguyên, nhưng đường dài thì điện thoại Việt chịu không nổi nhiệt. "Nội lực họ có gì? Họ làm được gì cho chiếc điện thoại mang tên mình ngoài xây thương hiệu và đi đặt hàng từ Trung Quốc?

Khi anh không có nội lực, hoàn toàn dựa vào người khác, phụ thuộc vào người khác thì chuyện anh không tồn lại lâu dài là bình thường. Bkav thì vẫn chưa ai thấy nhà máy của họ hay chi tiết họ làm ra sao. Còn Vin thì đã thấy. Nhưng hiện họ vẫn phụ thuộc hoàn toàn linh kiện vào các hãng nước ngoài", ông Nguyên đánh giá.

Theo chuyên gia này vấn đề còn nằm ở mức độ cạnh tranh quá khắc nghiệt của ngành di động. Những tên tuổi lớn như Samsung và Apple đã làm quá tốt và trưởng thành, chủ động các khâu và mỗi năm ra hàng loạt sản phẩm lấp đầy các phân khúc.

Bên cạnh đó cuộc đổ bộ của hàng loạt thương hiệu Trung Quốc như Oppo, Honor, Huawei, Xiaomi... với việc sẵn sàng đạp giá để giết chết đối thủ cạnh tranh ở giai đoạn đầu. Không đấu lại các tên tuổi Trung Quốc ở phân khúc giá rẻ, điện thoại Việt tiến lên nhóm phổ thông và cao cấp cũng không có kết quả tốt.

Có thể bạn quan tâm

'Gã khổng lồ' Internet Trung Quốc Baidu cho biết chatbot AI của hãng, Ernie Bot đã có hơn 200 triệu người dùng. Trong khi đó, Alibaba mở thêm truy cập phiên bản LLM 7 tỷ tham số cho nhà phát triển bên thứ ba.