Những thương hiệu smartphone trầy trật đợi hồi sinh

Tạp chí Nhịp sống số - Các thương hiệu smartphone đình đám một thời của Nokia, BlackBerry hay Palm trải qua nhiều cuộc chuyển giao nhưng vẫn chưa tìm lại được vinh quang trong quá khứ.

Từng tiên phong trên thị trường và sắm vai các "ông lớn", thậm chí được vinh danh như vị vua của thị trường điện thoại, nay Nokia, BlackBerry và Palm đều lần lượt "ngã ngựa" trên đường đua của những thương hiệu smartphone toàn cầu.

BlackBerry

Research in Motion (RIM) từng khuynh đảo thị trường smartphone với tập khách hàng là các doanh nhân với dòng điện thoại BlackBerry mang biểu tượng chùm dâu. Nổi tiếng về khả năng bảo mật và một nền tảng tối giản nhưng thông minh, tối ưu cho công việc, thiết kế bàn phím cứng không đụng hàng, thương hiệu smartphone đến từ Canada còn có "hàng độc" là ứng dụng BlackBerry Messenger (BBM) cho phép người dùng BlackBerry nhắn tin, chia sẻ hình ảnh, video... miễn phí qua internet (chỉ phải thanh toán cước mua gói dịch vụ thay vì trả tiền cho từng tin nhắn).

Phần mềm này có cách hoạt động tương tự như iMessage trên iPhone hiện nay. Từ khi ra mắt năm 2005, BBM chỉ phục vụ cho người dùng BlackBerry và mãi tới năm 2013 mới bắt đầu mở rộng sang iOS và Android.

Sở hữu nhiều lợi thế, BlackBerry và BBM đã mang về cho RIM hàng triệu khách hàng trên toàn cầu, nhưng công ty lại nhanh chóng đánh mất sức cạnh tranh trên trường quốc tế, tụt hậu so với sự phát triển của iOS và Android. Hãng loay hoay với những phiên bản hệ điều hành do chính mình phát triển để tối ưu trải nghiệm, nhưng việc này tiêu tốn quá nhiều thời gian mà hiệu quả không là bao.

Sau khi RIM tuyên bố dừng sản xuất điện thoại, thương hiệu smartphone BlackBerry được bán cho TCL. Hãng điện tử Trung Quốc từ bỏ nền tảng BBOS và đưa Android vào máy, giữ nguyên bàn phím cứng truyền thống nhưng cấu hình tầm trung và giá bán quá cao khiến sản phẩm mất tính cạnh tranh, chỉ còn hấp dẫn được những ai vẫn nuối tiếc thương hiệu này.

Thất bại của TCL đẩy BlackBerry một lần nữa qua tay nhà sản xuất khác. Lần này là Optiemus Infracom nhưng tiếp tục bất thành trong nhiệm vụ hồi sinh thương hiệu. Đến nay, BlackBerry chỉ còn là cái bóng bị đẩy qua đẩy lại với tương lai bất định và chưa biết liệu có thể trở lại thị trường.

Palm

Những thương hiệu smartphone trầy trật đợi hồi sinh - ảnh 1

Palm từng đi trước thời đại nhưng đã không thể sống sót tới ngày nay

Palm nổi lên với loạt sản phẩm thuộc dòng PDA (thiết bị trợ lý số cá nhân) từ khoảng năm 1996 và tới đầu những năm 2000, hãng bước chân vào thị trường smartphone với hệ điều hành WebOS. Ngay sau khi ra đời, WebOS được đánh giá rất cao (cho tới tận ngày nay) và Palm cũng được xem như hãng đầu tiên làm ra smartphone đa nhiệm với chiếc Palm Pre đình đám.

Sẽ không ngoa khi nói iOS và Android trong suốt hành trình từ khi ra đời tới nay đã học hỏi rất nhiều từ WebOS như giao diện thẻ, cử chỉ điều khiển vuốt... Nhưng số phận của Palm cũng không vì thế mà tốt hơn. Thất bại trên thị trường, không thể cạnh tranh với các thương hiệu smartphone khác, Palm đã qua tay nhiều công ty lớn nhỏ, từ HP, TCL... tới dạng thiết bị gọi vốn cộng đồng.

Lần gần nhất người ta còn nghe tới tên Palm là năm 2018 với dự án hồi sinh dưới dạng smartphone siêu nhỏ được huy động vốn để sản xuất. Nhưng đây có thể xem là thất bại cuối cùng đánh gục hy vọng đưa hãng trở lại thị trường khi thị trường nhắm tới quá nhỏ bé, thiếu vắng những đặc trưng đã làm nên tên tuổi.

Nokia

Những thương hiệu smartphone trầy trật đợi hồi sinh - ảnh 3

Nokia đang sống sót, nhưng cũng ở mức cầm cự qua ngày

Nokia có phần đỡ bi thảm hơn hai đối thủ một thời của mình khi tới nay smartphone mang thương hiệu này vẫn tiếp tục được sản xuất và tiêu thụ trên toàn cầu. Nhưng đó là tất cả những gì người ta còn thấy ở "cựu vương ngành di động" thế giới.

Hãng cũng từng thất bại, phải bán mình cho Microsoft rồi lại sang tay HMD Global, nhiều lần thay đổi chiến lược tiếp cận thị trường cũng với một hy vọng hồi sinh hãng điện thoại từng được cả tỉ người tin dùng. HMD Global tới giờ vẫn có thể xem là đang làm ổn với phân khúc máy giá rẻ, tầm trung nhưng gián tiếp công nhận thất bại ở phân khúc máy cao cấp khi tuyên bố từ bỏ thị trường này.

Thương hiệu smartphone của Phần Lan vẫn chưa thể nhìn thấy ngày trở lại thời huy hoàng đã qua. Tới nay công ty sở hữu thương hiệu Nokia chỉ giậm chân ở chiến lược tái sản xuất những thế hệ điện thoại đình đám một thời trong một thiết kế mới và loạt smartphone Android giá rẻ nhắm tới nhóm khách hàng lần đầu sử dụng điện thoại thông minh, những người lớn tuổi vẫn còn rất tin dùng Nokia vì tâm lý bền, chất lượng.

Theo TNO

Có thể bạn quan tâm