Những yếu tố giúp Việt Nam thúc đẩy phát triển nền Kinh tế Số

Tạp chí Nhịp sống số - Việt Nam cần đầu tư phát triển các ngành cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, cung cấp mạng Internet tốc độ cao (phổ cập 4G, phát triển 5G), xây dựng các trung tâm dữ liệu, công ty cung cấp mạng viễn thông.

Sự phát triển “thần tốc” của khoa học công nghệ đã tác động sâu sắc đến cách thức vận hành kinh tế chung của nhân loại trong thế kỷ 21, trong đó Kinh tế Số ngày càng có vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của mỗi quốc gia.

Việt Nam thúc đẩy phát triển nền Kinh tế Số

Trong xu thế này, việc Việt Nam phát triển Kinh tế Số, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tạo cơ hội bứt phá cho kinh tế đang là yêu cầu cấp thiết, như đã được xác định trong Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Về vấn đề này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại London đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư-Tiến sỹ Yến Trần, Giảng viên về Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp Quốc tế tại Trường Kinh doanh Edinburgh, Đại học Heriot Watt và là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Trí thức Việt Nam tại Vương quốc Anh (VIS).

Phó Giáo sư Yến Trần nghiên cứu và giảng dạy về mô hình Chuyển đổi Số trong các doanh nghiệp, xây dựng năng lực chiến lược tổ chức để tiếp nhận công nghệ mới, cũng như năng lực tự phát triển công nghệ.

Phó Giáo sư Yến Trần nhận định Kinh tế Số là mô hình kinh tế của thời đại mới, khi công nghệ thông tin và Trí tuệ Nhân tạo (AI) trên thế giới đã phát triển vượt bậc, len lỏi vào cuộc sống của từng người dân và của toàn xã hội. Kinh tế Số đã không còn là sự lựa chọn, mà là đích đến của các quốc gia với những lộ trình riêng của từng nước.

Việt Nam nằm trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhóm đang tăng tốc cả về chiến lược thúc đẩy chuyển đổi Kinh tế Số lẫn những nỗ lực đầu tư phát triển cho cuộc chuyển đổi này.

Phó Giáo sư Yến Trần cho rằng cần có nhận thức cơ bản và nắm được yếu tố cấu thành nền Kinh tế Số, để có hướng đầu tư vào những lĩnh vực trọng điểm và đề ra chiến lược cụ thể. Cụ thể, "Số hóa" là bước chuyển đổi các quy trình thông thường sang tự động bằng số hóa. Trong lĩnh vực này, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, do có sẵn đội ngũ kỹ sư trình độ kỹ thuật tốt.

Tiếp đến là "Vận hành Số," bước chuyển đổi phương thức hoạt động căn bản của hệ thống sang một chu trình vận hành mới theo số hóa, như thay vì trả tiền với nhân viên ở siêu thị thì tự động trả với máy.

Cuối cùng, bước cao nhất là "Chiến lược Tư duy," trong đó chuyển đổi cả hệ thống và ý thức hệ của tổ chức sang kiểu số hóa, chẳng hạn như lập ra những công ty mới dựa trên ý tưởng kinh doanh hoàn toàn mới, đột phá dựa trên nguyên lý và hạ tầng của số hóa, hoặc chuyển đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh hay vận hành dựa trên Tư duy Số (Chính phủ Số, trường học trực tuyến). Bước phát triển thứ ba cần sự đầu tư không chỉ về cơ sở kỹ thuật hạ tầng và năng lực công nghệ, mà còn cần đầu tư về nhân sự, năng lực quản lý Đổi mới Sáng tạo.

Theo Phó Giáo sư Yến Trần, với Chương trình Chuyển đổi Số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Việt Nam đang nỗ lực tập trung vào 3 trụ cột là Chính phủ Số, Kinh tế Số và Xã hội Số. Đây cũng là ưu tiên của các nước ASEAN đi trước trong Chuyển đổi Số, với tiêu chí gồm phổ cập toàn diện, hiệu quả năng suất và Đổi mới Sáng tạo.

Chuyên gia này chỉ ra rằng xây dựng Kinh tế Số cần 2 yếu tố cơ bản là kết nối thông minh và khai thác Dữ liệu Số. Kết nối cần xây dựng cơ sở hạ tầng tốc độ cao, thiết bị số với công nghệ cập nhật, phổ biến điện thoại thông minh và tăng tần suất truy cập mạng của toàn xã hội từ cá nhân đến tổ chức, doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa rằng Việt Nam cần đầu tư ưu tiên phát triển các ngành cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, cung cấp mạng Internet tốc độ cao (phổ cập 4G, phát triển 5G), xây dựng các trung tâm dữ liệu, công ty cung cấp mạng viễn thông và các yếu tố công nghệ cấu thành quan trọng khác (tiến tới sử dụng robot, AI).

Trạm BTS

Hiện nay, Việt Nam cùng với các nước ASEAN khác có tỷ lệ dùng điện thoại và Internet khá cao, đây là xu hướng tốt mà các ngành viễn thông cần khai thác cung cấp thiết bị và dịch vụ để tăng tỷ lệ nay cao hơn nữa.

Theo thống kê của Liên minh Viễn thông Quốc tế năm 2022, ASEAN chiếm 60% tỷ lệ người dùng Internet trên thế giới. Đối với khai thác Dữ liệu Số, ngoài việc đầu tư kỹ thuật để thu thập và phân tích số liệu, việc ứng dụng và tạo ra giá trị mới đột phá từ Dữ liệu Số đòi hỏi sự đầu tư khuyến khích Đổi mới Sáng tạo thông qua khởi nghiệp và đầu tư đổi mới trong các doanh nghiệp.

Phó Giáo sư Yến Trần đã nêu bật các lĩnh vực mà Việt Nam hiện có thể ưu tiên để khai thác dữ liệu (Big data, AI) là ngành ngân hàng, với hỗ trợ công nghệ tài chính (Fintech) bao gồm dịch vụ tài chính không cần thông qua chi nhánh ngân hàng (branchless banking), dịch vụ di chuyển (ride sharing), du lịch, truyền thông, chăm sóc sức khỏe, thành phố thông minh trên các mô hình kinh tế chia sẻ. Các ngành này đang có tiềm năng lớn cho các mô hình kinh doanh đột phá, nhắm vào đối tượng tiêu dùng chưa khai thác.

Có thể bạn quan tâm

Tập đoàn hàng đầu về quản lý năng lượng, Schneider Electric đã phát triển nhiều dòng APC UPS tân tiến trong 4 thập kỷ, giúp đảm bảo nguồn điện ổn định và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ trung tâm dữ liệu giảm thiểu dấu chân carbron, hướng đến phát triển bền vững.