OTT (Over-the-top) là các ứng dụng giúp truyền, chia sẻ dữ liệu (âm thanh, hình ảnh, nội dung video…) trên nền internet bởi một bên thứ 3 - ngoài người dùng và nhà cung cấp dịch vụ internet. Thực tế, OTT tồn tại dưới các dạng thức điển hình là: truyền hình qua giao tiếp Internet (IPTV), video theo yêu cầu (VOD ), liên lạc qua Internet (VoiP)… nhưng người dùng phổ thông thường biết đến nó nhiều nhất qua các ứng dụng cho phép nhắn tin, thực hiện cuộc gọi miễn phí trên nền internet.
Có thể kể đến các ứng dụng phổ biến với người dùng Việt Nam như Zalo, Viber, LINE, Skype, Mocha… Với quyền truy cập sâu vào danh bạ, bộ nhớ thiết bị, các ứng dụng này cho phép người dùng có thể “nhận diện” được những người quen, bạn bè dùng chung ứng dụng để liên hệ với nhau, giúp tiết giảm chi phí liên lạc.
Bên cạnh đó, các ứng dụng này cho phép chạy song hành trên điện thoại, máy tính bảng/PC, laptop/smart TV… nên người dùng có thể dễ dàng gửi – nhận file mọi lúc mọi nơi một cách rất thuận tiện.
Chính vì thế, không chỉ thu hút lượng người dùng cá nhân, hiện nay trong khá nhiều doanh nghiệp, tổ chức cũng phổ biến hiện tượng “send file” hết sức vô tư qua các ứng dụng OTT thông thường này.
Các ứng dụng OTT miễn phí rất có thể là những “cánh cửa” hớ hênh phát tán các thông tin về doanh nghiệp, tổ chức
Theo tìm hiểu của người viết, ngay tại một số đơn vị hành chính cấp phường tại Hà Nội, việc truyền đạt thông tin/mệnh lệnh hành chính, gửi văn bản, hình ảnh hoạt động… vẫn được thực hiện qua ứng dụng OTT phổ biến là Zalo và Facebook Messenger. Trong khi đó, với “dân” văn phòng và khối doanh nghiệp, Skype vẫn là ứng dụng được sử dụng nhiều cho việc gửi file, thực hiện cuộc gọi trên nền internet…
Theo thống kê, tại Việt Nam, Zalo và Facebook là 2 ứng dụng OTT B2C đang được nhiều người sử dụng nhất. Cụ thể, Zalo hiện có khoảng hơn 60 triệu người dùng, Facebook hơn 30 triệu người dùng; tiếp sau đó là Viber với khoảng 23 triệu người dùng. Trong đó, đối tượng chiếm tỉ trọng cao nhất là giới trẻ từ 18 – 25 tuổi.
Cũng theo bảng xếp hạng này, Skype đứng thứ tư với khoảng 4 triệu người dùng nhưng mang đặc thù riêng, chủ yếu dành cho giới văn phòng và doanh nhân trong độ tuổi từ 30 – 39.
Thực tế cho thấy, vì là ứng dụng “miễn phí” nên các app OTT này vẫn tồn tại một số vấn đề. Cụ thể, theo khảo sát người dùng không hài lòng về các ứng dụng OTT ở những điểm như: Kết nối không ổn định, độ bảo mật và riêng tư kém, quá nhiều quảng cáo, chưa/không phù hợp với người dùng… Tuy nhiên, để giữ liên lạc với cộng đồng hoặc cho rằng đây là sự tất yếu của việc “miễn phí”, nên nhiều người sẵn sàng chấp nhận sử dụng.
Khi được hỏi, đại đa số người dùng đều cho rằng đây là những ứng dụng “chấp nhận được” hoặc tiện lợi dễ dùng, chứ không hề ý thức được nguy cơ tiềm ẩn phía sau. Cụ thể, gắn với mỗi cá nhân, đó là vấn đề thất thoát thông tin cá nhân (tiết lộ vị trí theo thời gian thực, bị thu thập thông tin hành vi người dùng cùng danh bạ, các liên hệ thường xuyên…) hoặc bị lợi dụng để phát tán virus trong trường hợp thiết bị lây nhiễm.
Ở mức độ nghiêm trọng hơn, đây chính là những “cánh cửa” hớ hênh để phát tán các thông tin về doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan nơi họ làm việc. Theo các chuyên gia bảo mật cảnh báo, từ những thông tin mà chúng ta tưởng như vô hại, các tin tặc hoàn toàn có thể cần mẫn phân loại, mở rộng phạm vi thu thập để phân tích dữ liệu và sử dụng vào mục đích không tốt.
Hện, chưa có nhà cung cấp nội địa nào có ứng dụng OTT chính thức cho doanh nghiệp. Nếu muốn sử dụng các ứng dụng OTT cho mục đích công việc, nhóm đối tượng người dùng này chỉ có rất ít lựa chọn, ví dụ như Slack hay Skype for business (phải trả phí)…
Điều này cho thấy, nhu cầu về một “thị trường ngách” đầy tiềm năng đang phát sinh, với một ứng dụng có thể cung cấp cho doanh nghiệp một nền tảng liên lạc và cộng tác tiện dụng nhưng bảo mật cao, hỗ trợ chia sẻ thông tin/dữ liệu một cách trực tiếp, tức thời, đa thiết bị. “Bài toán” đó xin gửi đến các doanh nghiệp Viễn thông – CNTT nước nhà với kỳ vọng để “người Việt dùng hàng Việt” một cách an toàn, tiện dụng trong môi trường công việc.