Ông Emmanuel Macron cho biết nước Pháp sẽ sớm ban hành luật buộc các mạng xã hội cùng các trang tin phải minh bạch hơn nữa và đưa những kẻ tung tin thất thiệt ra tòa.
Nhưng làm thế nào để hạn chế được tin thất thiệt mà vẫn không làm ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận, đó là câu hỏi mà nhiều tờ báo trong tuần qua đặt ra.
Năm 2017, nước Đức đã ra luật phạt rất nặng các trang mạng xã hội nếu không nhanh chóng rút đi những tin thất thiệt. Năm nay, vấn nạn này đã tới nước Pháp.
Theo lời Tổng thống Pháp mà tờ La Provence trích đăng, nội dung dự luật sẽ được đưa ra chi tiết trong vài tuần tới. Bài báo viết: "Ông Macron nhằm tới các tin thất thiệt mà hàng ngàn tài khoản của các mạng xã hội vô tình tiếp sức, chỉ trong giây lát cho lan truyền khắp nơi trên thế giới, bằng mọi thứ tiếng, những chuyện bịa đặt bôi nhọ một chính trị gia, một nhân vật của công chúng, hay một phóng viên".
Ông Emmanuel Macron đã từng là nạn nhân của tin thất thiệt. Theo tờ The Guardian, trong thời kỳ tranh cử Tổng thống, khi thì có tin nghe đâu ông Macron có tài khoản bí mật ở nước ngoài, lúc lại thấy đồn hình như là ông Macron có xu hướng tình dục đồng giới. Bịa đặt trắng trợn nhất là một trang web mạo danh tờ báo Le Soir của Bỉ, khẳng định Arabie Saoudite tài trợ 1/3 chi phí tranh cử của ông Macron.
Một ứng cử viên Tổng thống nhận tiền của nước ngoài để trang trải chi phí tranh cử, nếu có thực thì là chuyện quá nghiêm trọng. Vậy mà nhiều người dùng mạng xã hội không mảy may suy nghĩ, lập tức chia sẻ ngay bức ảnh chụp màn hình bài báo giả mạo.
Tung tin thất thiệt nhằm đạt một mục đích nào đó là thủ đoạn đã có từ lâu nhưng nay được các mạng xã hội giúp lan truyền ở quy mô rộng khắp và tức thời. Nếu tin thất thiệt tung ra chỉ ít ngày trước lúc bầu cử, hậu quả có thể cực kỳ tai hại, đến khi trắng đen rõ ràng thì bầu cử đã xong.
Tờ El País của Tây Ban Nha nhấn mạnh luật mà ông Macron mong muốn ban hành sẽ chỉ tập trung vào thời kỳ bầu cử. Có 3 biện pháp gồm theo dõi các đài truyền hình do chính phủ nước ngoài kiểm soát để kịp thời phát hiện tin thất thiệt; bắt buộc các trang mạng phải chỉ rõ những bài không phải do phóng viên bản báo viết và phải nêu danh tính người đã trả tiền để đăng bài đó; khởi kiện người tung tin, yêu cầu tòa án ra lệnh hủy bỏ tài khoản đã trả tiền để đăng tin nhảm.
Vấn đề khó, như tờ Le Figaro bình luận, là phải tìm cách nào xác định được thật nhanh, thế nào là tin thất thiệt, thì các biện pháp mới kịp có tác dụng. Bài báo viết: "Muốn chống lại tin thất thiệt trước tiên phải có tiêu chí phân biệt giữa tin tức bị bóp méo với thủ đoạn tuyên truyền chính trị hay chỉ là tự do ngôn luận". Theo tờ này, Tổng thống Pháp đã đề nghị giới báo chí cùng tham gia tranh luận về dự luật để làm sao vừa chống được tin thất thiệt mà không ảnh hưởng gì đến quyền tự do ngôn luận.