Theo Reuters, chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte đã và đang được củng cố bằng cách thiết lập một nền móng ủng hộ trên các mạng xã hội, ví dụ như Facebook. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 2016.
Nhưng vào tuần trước, Facebook đình chỉ nhiều tài khoản thuộc hai mạng lưới có nguồn gốc từ Trung Quốc và Philippines, với lý do đăng tải nội dung chính trị có tính chất dẫn dắt. Quyết định này khiến ông Duterte phẫn nộ, cảnh báo Facebook nên giải thích mục đích hoạt động ở Philippines nếu vẫn còn muốn tiếp tục.
Người phát ngôn của Tổng thống, Harry Roque nói ông Duterte sẽ không đóng cửa Facebook, nhưng muốn hiểu cách công ty kiểm duyệt nội dung ở đất nước của ông. Dân số của Philippines hiện vào khoảng 107 triệu người, 65% trong số đó sử dụng Facebook.
Những nền tảng xã hội như Facebook đã trở thành chiến trường chính trị ở đất nước Đông Nam Á này. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Duterte bác bỏ cáo buộc cho rằng nó cho phép những người ủng hộ lạm dụng và thao túng Facebook, với mục tiêu quấy rối hoặc làm giảm uy tín của đối thủ.
Roque cũng đặt câu hỏi về mối quan hệ đối tác giữa Facebook và hai đơn vị kiểm duyệt tin giả gồm Rappler và Vera Files; nói cả hai đều chỉ trích chính quyền của ông Duterte.Roque phát biểu cần có thêm các chính sách mới để “tạo sân chơi bình đẳng” trên Facebook, nhắc về việc chính CEO Facebook Mark Zuckerberg từng kêu gọi thiết lập quy định mới về nội dung trực tuyến.