Cùng đó, Báo cáo Kaspersky IT Threat Evolution Q2/2019 cũng cho thấy hơn 230.000 người dùng đã bị tấn công trong Q2/2019.
Theo
Q2/2019 chứng kiến số lượng lớn các trường hợp nhiễm mã độc. Theo dữ liệu từ Kaspersky, 232.292 người dùng đã bị tấn công bởi ransomware - tăng hơn 46% so với Q2 2018 (158.921 người dùng). Các quốc gia có tỷ lệ người dùng bị tấn công nhiều nhất là Bangladesh (9%), Uzbekistan (6%) và Mozambique (4%).
Cũng theo báo cáo nói trên, tại Việt Nam, số người dùng bị ransomware tấn công trong Q2/2019 giảm nhẹ so với Q2/2018 với tỷ lệ lần lượt là 0,94% và 1,21%. Họ ransomware tấn công người dùng thường xuyên nhất trong Q2/2019 (23,4% trường hợp) vẫn là WannaCry.
Cách đây hai năm, mặc dù Microsoft đã phát hành bản vá dành cho lỗ hổng bị ransomware khai thác vào hai tháng trước khi các cuộc tấn công bắt đầu lan rộng, đến nay Wannacry vẫn còn hoạt động. Một ransomware khác là Gandcrab vẫn chiếm 13,8% dẫu cho nhóm hacker tạo ra ransomware này đã thông báo sẽ không phát tán Gandcrab kể từ nửa sau Q2 2019.
Nhà nghiên cứu bảo mật Fedor Sinitsyn tại Kaspersky cho biết: “Trong Q2/2019, chúng tôi nhận thấy sự tăng mạnh trong số lượng ransomware mới, mặc dù họ Gandcrab đã ngừng hoạt động vào đầu tháng Sáu. Họ ransomware GandCrab từ lâu đã là một trong những mã độc phổ biến nhất của tội phạm mạng. Trong 18 tháng qua, GandCrab vẫn nằm trong danh sách những họ ransomware bị chúng tôi phát hiện nhiều nhất. Ngoài ra, vẫn còn nhiều Trojans phổ biến khác đang hoạt động. GandCrab là minh họa điển hình về hiệu quả của ransomware, khi nhóm hacker tạo ra chúng tuyên bố ngừng hoạt động sau khi đã kiếm được một số tiền rất lớn bằng cách tống tiền nạn nhân. Chúng tôi mong người dùng sẽ bảo vệ thiết bị của họ thật tốt bằng cách cập nhật phần mềm thường xuyên và chọn giải pháp bảo mật đáng tin cậy".
Kaspersky khuyên người dùng nên thường xuyên cập nhật hệ điều hành để loại bỏ các lỗ hổng vừa xuất hiện và sử dụng giải pháp bảo mật uy tín; sao lưu file để có thể thay thế chúng trong trường hợp bị mất (do mã độc tấn công hoặc thiết bị bị hỏng); lưu trữ chúng không chỉ trên thiết bị mà còn trên bộ nhớ đám mây để có độ tin cậy cao hơn.