Khi vào nền tảng Facebook Gaming trên ứng dụng Facebook, thay vì được xem các game thủ phát video chơi game thì nhiều người dùng tại Việt Nam chứng kiến rất nhiều video hở hang.
Trong video, nhiều phụ nữ không mặc áo lót, dáng ngồi hớ hênh, có video clip quay ngay trong bồn tắm, trao đổi những chủ đề nhạy cảm. Tuy nhiên, các video này chỉ làm nền cho những cá nhân bán hàng online.
Dễ thấy các livestream bán hàng đã không còn hiển thị dày đặc trên bảng tin của người dùng Facebook tại Việt Nam như trước, dẫn đến lượng người xem sụt giảm. Do đó, giới buôn hàng online phải tìm cách để tiếp cận lượng người xem lớn hơn.
Facebook Gaming là một nhánh trên ứng dụng Facebook, dành cho giới game thủ livestream các trận game của họ. Do nền tảng khá mới mẻ nên mạng xã hội này có vẻ chưa kiểm soát nội dung chặt chẽ, để lọt những video livestream không đúng tôn chỉ mục đích.
Rất nhiều tài khoản khi livetream sẽ thông báo như đang chơi một game cụ thể nào đó nhằm qua mặt Facebook, nhưng trên thực tế lại livestream bán hàng.
Việc này không ảnh hưởng mấy đến người dùng nếu như các cá nhân bán hàng online không chào mời bằng video hở hang. Mở đầu livetream thường là những video có sẵn, nội dung gây tò mò. Chẳng hạn, giới bán hàng sẽ phát video có nữ vũ công ăn mặc hở hang, nhảy với tư thế nhạy cảm. Hoặc các video chia sẻ chuyện thầm kín, nội dung gây sốc. Sau đó, các livestream bán hàng thực sự sẽ được phát.
Ngoài các mặt hàng như đồ lót, quần áo nam nữ, đồng hồ, kính mát,... một số cá nhân còn bán thuốc được quảng cáo là khắc phục tình trạng rối loạn cương, yếu sinh lý, tăng cường khả năng nam giới,... với mức giá 350 ngàn/lọ.
Thông thường, những livestream bán hàng được các cá nhân đăng trên các group mua bán. Các group này có lượng người theo dõi lớn, cũng có nhu cầu mua hàng. Nhưng để đạt được mức độ người xem lớn hơn, người bán hàng buộc phải đăng clip ở nhiều nhóm khác nhau, trong đó có việc lợi dụng Facebook Gaming.
Rất nhiều người bán hàng online nhỏ lẻ cho biết lượng người tiếp cận các bài đăng bán hàng của họ giảm hẳn, lượt xem video trực tiếp xuống rất thấp, gần như không có tương tác.
Thậm chí, nhiều tài khoản bán hàng bị phạt vì một số lý do như vi phạm bản quyền âm thanh, hình ảnh; bị báo cáo (report) vì bán hàng nhái, hàng giả; phổ biến là bị report vì tần suất đăng quá nhiều.
Những lý do trên khiến lượt tiếp cận của các video bán hàng ngày càng giảm xuống, buộc giới bán hàng phải làm nhiều cách khác nhau nhằm gia tăng lượng người xem. Tuy vậy, những cách này sẽ bị Facebook sớm phát hiện và phạt tài khoản livestream không đúng mục đích.