Apple gần đây tung ra bản cập nhật iOS 14.5, hỏi người dùng có đồng ý cho một ứng dụng nào đó theo dõi hành vi của họ hay không. Đứng trước câu hỏi này, đa số người sử dụng sẽ chọn không cho một ứng dụng thu thập thông tin.
Theo Apple, việc này nhằm trao cho người dùng quyền quyết định về dữ liệu riêng tư. Nhưng một số ý kiến cho rằng động thái đó nhằm giúp Apple phát triển riêng nền tảng quảng cáo của họ.
Cách làm của Apple tác động đến rất nhiều ứng dụng, trong đó Facebook chịu ảnh hưởng nặng nhất, do nền tảng sử dụng dữ liệu người dùng để đề xuất các quảng cáo hướng đối tượng.
Mark Zuckerberg - CEO Facebook - và Steve Jobs, người đồng cấp tại Apple, đã nhiều lần khẩu chiến về vấn đề thu thập dữ liệu người dùng ngay trước khi iOS 14.5 ra mắt.
Bà Supriya Singh, Giám đốc Tiếp thị giải pháp (bộ phận Chính sách quảng cáo, khu vực châu Á Thái Bình Dương), một lần nữa khẳng định mạng xã hội này không đồng ý với cách tiếp cận của Apple.
Để đối phó với tình huống này, Facebook đã gửi thông báo đến những người dùng iOS, giải thích tầm quan trọng của việc cá nhân hoá các quảng cáo để người dùng hiểu trước khi quyết định cho phép ứng dụng lấy dữ liệu hay không.
“Về lâu dài, chúng tôi sẽ xây dựng công nghệ để ít phụ thuộc vào dữ liệu hơn. Công nghệ này sẽ sớm được tung ra thị trường”, bà Supriya trả lời ICTnews.
Trong buổi nói chuyện với truyền thông Việt Nam chiều 18/5, bà Supriya trao đổi về các chính sách quảng cáo của Facebook. Trong đó nêu rõ các quảng cáo được trả tiền sẽ chịu kiểm duyệt trước khi đăng. Trong khi đó, những quảng cáo miễn phí chỉ được kiểm duyệt sau khi xuất hiện trên nền tảng này.
Đối với hầu hết quảng cáo, Facebook áp dụng cơ chế tự động xét duyệt. Chỉ một số quảng cáo có sự kiểm duyệt của con người.
Theo bà Supriya, các quảng cáo tại Việt Nam thường vi phạm 3 nội dung: loại hình kinh doanh bị cấm, mua bán hoặc sử dụng tài khoản quảng cáo bị xâm phạm, sức khoẻ/đặc điểm cá nhân.
Ở vi phạm thứ nhất, các quảng cáo thường có hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền hoặc thông tin người dùng. Hoặc sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng để khiến khách hàng hiểu lầm, mua sản phẩm lừa đảo. Có cả những lừa đảo nhằm gia tăng lượt like, share Facebook.
Thứ hai, một số người thường sử dụng tài khoản lậu để chạy các quảng cáo trên Facebook, hoặc sử dụng các nhóm/các trang bị đánh cắp để quảng bá sản phẩm. Nhiều người cũng sửa đổi nội dung để né tránh kiểm duyệt.
Chẳng hạn, tài khoản một số người nổi tiếng bị hack để chạy các quảng cáo bán hàng. Hay như ICTnews phản ánh, một số trường hợp bán cây thuốc phiện - mặt hàng bị cấm, nhưng lại dùng các từ ngữ khác để lách kiểm duyệt.
Ở trường hợp thứ 3, nhiều quảng cáo tại Việt Nam vi phạm vì đăng nội dung liên quan sức khoẻ cá nhân, đặc điểm cá nhân. Chẳng hạn, những nội dung nói về tuổi tác, sức khoẻ, khuyết tật,... bị hạn chế (ví dụ: quảng cáo dùng những từ như béo phì).
Ngay cả các quảng cáo dùng hình ảnh so sánh trước và sau (điều trị), hoặc hình ảnh cho thấy kết quả khó thành hiện thực cũng bị hạn chế. Ví dụ, hình ảnh trước và sau điều trị răng, với kết quả hoàn hảo của bộ răng sau điều trị sẽ bị xem là vi phạm chính sách quảng cáo.