Ra mắt Cổng PayGov hỗ trợ thanh toán dịch vụ công

Ra mắt Cổng PayGov hỗ trợ thanh toán dịch vụ công
Tạp chí Nhịp sống số - Bộ Thông tin và Truyền thông hôm nay (24/7) đã ra mắt “Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia (PayGov)”, giúp cho người dân, doanh nghiệp thanh toán dễ dàng, thuận tiện khi sử dụng dịch vụ công.

Lễ ra mắt Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia PayGov có sự tham gia của đại diện Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Tổng Cục thuế, các đơn vị chuyên trách về CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), 63 Sở Thông tin và Truyền thông trên cả nước (theo hình thức trực tuyến) cùng nhiều cơ quan, doanh nghiệp.

thanh toán điện tử, Dịch vụ công, chính quyền số, chuyển đổi số, Thanh toán dịch vụ công trực tuyến, PayGov,

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại Lễ ra mắt Cổng PayGov

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết: Việc Bộ TT&TT phát triển và đưa vào sử dụng Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia PayGov là một giải pháp để tháo gỡ nút thắt trong việc thúc đẩy triển khai và sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Các bộ, ngành, địa phương thực hiện kết nối, sử dụng PayGov sẽ hoàn thành chỉ tiêu về dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020 và đặc biệt là người dân, doanh nghiệp có thể thanh toán dễ dàng, thuận tiện khi sử dụng dịch vụ công.

Cổng PayGov sẽ giúp hiện thực hóa mục tiêu đặt ra tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030": Đến năm 2025, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; Đến năm 2030 tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%.

Hệ thống PayGov sẽ không làm chức năng thanh toán mà thực hiện chức năng tạo lập nền tảng hỗ trợ cho các Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử kết nối với các hệ thống thanh toán trung gian; từ đó tạo thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp tra cứu, tìm kiếm, thực hiện thanh toán, mọi lúc, mọi nơi, mọi kênh. Đồng thời, hệ thống giúp các cơ quan cung cấp dịch vụ công có thể kết nối với mọi hệ thống thanh toán trung gian, thực hiện tra soát, đối soát và quyết toán thống nhất trên toàn quốc.

Đại diện Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) cho biết: hệ thống PayGov được thiết kế để giải quyết 3 vấn đề chính, trong đó có việc kết nối. Cổng dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành địa phương chỉ cần kết nối với Cổng PayGov với một giao điện thống nhất là có thể sử dụng các tiện ích của tất cả trung gian thanh toán. Các trung gian thanh toán cũng chỉ cần kết nối đến Cổng PayGov là có thể tiếp cận, cung cấp dịch vụ cho tất cả bộ, ngành, địa phương.

Cổng PayGov còn cung cấp công cụ hỗ trợ giải quyết vấn đề tra soát, đối soát, quyết toán giữa các bên liên quan; đặc biệt là hỗ trợ đối soát, quyết toán một cách tự động với kho bạc. Ngoài ra, còn có thể mở rộng đáp ứng nhu cầu thanh toán trực tuyến của người dân đối với dịch vụ, tiện ích khác như y tế, giáo dục, điện, nước… 

Tại lễ ra mắt, 9 trung gian thanh toán gồm NAPAS, Viettel Digital, VNPay, M_Service, Viet Union, VTC, Ngân Lượng, ViMass, FPT Telecom đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Cục Tin học hóa, thống nhất việc triển khai Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia PayGov.

Đến nay, Cổng PayGov đã hoàn thành kết nối thử nghiệm với Cổng dịch vụ công của Bộ TT&TT, Bộ VHTT&DL, UBND tỉnh Quảng Ninh và sẵn sàng đưa vào sử dụng chính thức; đang thực hiện kết nối thử nghiệm với cổng dịch vụ công các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Long An, Thừa Thiên Huế, Hà Giang, Hà Nội… Hệ thống PayGov cần được phát triển để đáp ứng những nhu cầu về hỗ trợ thanh toán trực tuyến trong Chính phủ số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam, qua đó thực hiện vai trò của Bộ TT&TT trong tạo lập nền tảng để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam.

 

Có thể bạn quan tâm