Renault vẫn đóng cửa một phần dây chuyền sản xuất vì dính mã độc WannaCry

Renault vẫn đóng cửa một phần dây chuyền sản xuất vì dính mã độc WannaCry
Tạp chí Nhịp sống số - Đến 15/5, nhà máy lớn nhất của Renault tại Pháp vẫn đóng cửa một phần dây chuyền sản xuất sau khi bị mã độc tống tiền tấn công hồi cuối tuần.

Renault dừng sản xuất vì dính mã độc WannaCry

Renault hiện là hãng xe đầu tiên và duy nhất của Pháp thông báo là nạn nhân của mã độc tống tiền lớn nhất thế giới - loại virus tác động tới hàng chục nghìn máy tính trên khoảng 100 quốc gia kể từ hôm 12/5.

"Chúng tôi nhận ra mình sẽ không thể đi làm vào ngày mai", David Dubois, một trong số 5.500 công nhân tại nhà máy Renault ở Douai (Pháp) trả lời phỏng vấn tờ Express vào hôm 14/5.

Vào ngày 13/5, Renault dừng sản xuất tại nhiều dây chuyền chính để bảo vệ hệ thống máy tính. Đến ngày 15/5, hãng cho biết các biện pháp chủ động và ngăn ngừa đã được thực hiện để chặn sự lây lan của mã độc - virus được biết đến với tên gọi WannaCry.

Tuy nhiên, Renault không phải hãng xe duy nhất trên thế giới dính mã độc. Nhà máy của Nissan ở Sunderland, phía đông bắc nước Anh, cũng bị WannaCry tấn công, theo đại diện hãng cho biết vào ngày 13/5.

"Giống nhiều tổ chức trên khắp thế giới, một số bộ phận của Nissan là mục tiêu tấn công của mã độc tống tiền. Chúng tôi đã phản ứng kịp thời và không còn ảnh hưởng lớn tới công việc chung". Cũng theo vị đại diện của Nissan, tình hình của nhà máy ở Sunderland, nơi có 7.000 người làm việc, vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

WannaCry là một biến thể của mã độc tống tiền (ransomware). Phần mềm này còn có tên gọi khác là WannaCrypt0r 2.0 hay WCry. Người dùng thường quen với khái niệm malware nhưng đây chỉ là tên gọi chung cho các phần mềm có hại cho máy tính. Ransomware, cụ thể hơn, chỉ đến các phần mềm độc hại chiếm dữ liệu của máy tính và ngăn người dùng truy cập dữ liệu trên đó cho đến khi trả tiền chuộc.

Có thể bạn quan tâm