Báo cáo gần đây từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới dự đoán đại dịch sẽ thúc đẩy làn sóng tự động hóa tiếp theo. Tới năm 2025, làn sóng này có thể làm gián đoạn 85 triệu việc làm trên toàn cầu.
Ngành khách sạn hiện là một trong những ngành bị đại dịch ảnh hưởng nặng nề nhất. Thời gian gần đây, ngành này đã chứng kiến sự tăng trưởng rõ rệt trong việc áp dụng công nghệ mới. Các khách sạn cho phép khách sử dụng ki-ốt để tự nhận phòng, dùng ứng dụng điều khiển TV, công tắc đèn và yêu cầu robot giao đồ tận phòng.
Ron Swidler, Giám đốc thông tin của Gettys Group - một công ty tư vấn thiết kế và phát triển khách sạn cho biết ngày càng có nhiều khách sạn đang thử nghiệm công nghệ mới trong thời kỳ đại dịch. Swidler cho biết: “Chi phí tự động hóa đang giảm, công nghệ ngày càng tốt hơn. Chúng tôi thấy những giải pháp cách tân hoạt động hiệu quả ở những nơi khác trên thế giới nên muốn áp dụng chúng vào ngành khách sạn ở Mỹ”. Swidler nhắc tới khách sạn FlyZoo của Alibaba hoạt động gần như hoàn toàn bằng công nghệ, từ nhận phòng đến dịch vụ phòng.
Hiện chưa rõ liệu nhu cầu gia tăng đối với công nghệ mới có trực tiếp gây ra tình trạng mất việc làm trong thời kỳ đại dịch hay không. Theo tài liệu do Ngân hàng Dự trữ Liên bang Philadelphia công bố vào tháng 9, các nghề nghiệp được coi là có thể tự động hóa gồm nhân viên bàn khách sạn, tài xế và nhân viên bán lẻ. Việc hàng trăm công nhân trạm thu phí Pennsylvania bị sa thải là một ví dụ rõ ràng về cách công nghệ có thể khiến nhiều người mất việc. Tháng 6 vừa qua, chính quyền bang Pennsylvania đã sa thải khoảng 500 nhân viên thu phí để chuyển sang thu phí bằng điện tử.
Tác động của suy thoái đối với sự phát triển của tự động hóa đã được các nhà kinh tế nghiên cứu. Theo họ, tự động hóa không phát triển ổn định mà diễn ra theo từng đợt. Các doanh nghiệp có nhiều khả năng tự động hóa hơn sau khi trải qua những cú sốc kinh tế, buộc họ phải cắt giảm lao động để tiết kiệm chi phí. Trong một nghiên cứu được công bố năm 2016, các nhà nghiên cứu từ Đại học Rochester tìm hiểu tình hình trước và sau đại suy thoái. Họ nhận thấy chủ lao động ở các thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất và có xu hướng thay thế công nhân bằng công nghệ.
Sự gia tăng tự động hóa có lợi cho những người lao động có trình độ học vấn cao và giúp kích thích nền kinh tế, tuy nhiên cũng sẽ khiến những người lao động phổ thông bị bỏ lại.
Daron Acemoglu - nhà kinh tế học tại Viện Công nghệ Massachusetts cho biết: “Tự động hóa là động lực chính làm gia tăng bất bình đẳng. Acemoglu là đồng tác giả của một nghiên cứu được công bố gần đây cho thấy tự động hóa tạo ra “khoảng cách giàu nghèo” trong xã hội. Theo ông, người lao động phổ thông không chỉ dễ bị mất việc và bị giảm lương do tự động hóa, mà còn dễ bị sa thải trong thời gian cách ly xã hội. Mặt khác, người lao động có trình độ vẫn được làm việc tại nhà trong thời điểm đại dịch.
Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng AI chưa đủ thông minh để gây ra làn sóng sa thải hàng loạt. Công nghệ AI mới cần nhiều tiền, thời gian và nguồn lực để thiết lập - điều xa xỉ đối với nhiều doanh nghiệp trong thời kỳ đại dịch. Nếu xã hội có cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm đối với những tiến bộ công nghệ, Acemoglu cho rằng AI có tiềm năng to lớn khiến con người năng suất hơn mà không thay thế con người. Acemoglu nhận định: "Tôi không nghĩ tự động hóa là thứ gì đó kinh khủng, miễn là chúng ta không quá phụ thuộc. Chúng ta đã thực hiện tự động hóa quy mô lớn suốt 30 năm qua. Đại dịch chỉ đẩy nhanh tiến trình đó".