Chỉ cần truy dấu một người dùng "cởi mở" trên mạng, người ta có thể dễ dàng thu thập đủ dữ liệu cá nhân về họ để sau đó hack email, chiếm dụng tài khoản mua sắm trực tuyến, hoặc sử dụng danh tính, ảnh người dùng đó để sử dụng vào những mục đích trục lợi. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết điều này, hoặc biết nhưng không làm gì để tự bảo vệ mình trong môi trường trực tuyến.
Theo thông tin từ Kaspersky, với lượng dữ liệu cá nhân được chia sẻ trên các phương tiện internet không ngừng tăng nhanh, khá nhiều người dùng cho rằng họ không thể bảo vệ được quyền riêng tư trên internet, trong khi đó số khác lại thờ ơ với vấn đề này mà không hề ý thức được về các nguy cơ bảo mật tiềm ẩn.
Cụ thể, nghiên cứu gần đây của Kaspersky Lab đã chỉ ra rằng: có đến 1/3 (32,3%) người dùng không biết cách tự bảo vệ quyền riêng tư của mình khi trực tuyến. Họ thường xuyên chia sẻ thông tin cá nhân, các vấn đề riêng tư trên mạng xã hội mà bỏ qua những rủi ro, đe dọa về bảo mật thông tin cá nhân của mình.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây không phải là thời điểm để người dùng lơ là cảnh giác, và chính thái độ xem nhẹ đối với quyền bảo mật riêng tư có thể khiến người dùng dễ dàng trở thành mục tiêu tấn công của tội phạm mạng.
Trong thời đại bùng nổ của internet, tỷ lệ người dùng có số lần online hơn 1 lần trong ngày chiếm 89,3%. Do đó, việc kiểm soát tất cả các thông tin cá nhân của mình khi trực tuyến trở thành thách thức không nhỏ. Theo khảo sát gần đây của Kaspersky Lab, có 17% người dùng đã thấy những thông tin về bản thân hoặc thành viên gia đình mình xuất hiện một cách không mong muốn trên internet. Và đối với những người có con dưới 18 tuổi, con số này chiếm 22,3%.
Khi đó, những nỗ lực và phản kháng để bảo vệ quyền riêng tư dường như vô ích. Người dùng sẽ luôn ở trạng thái lo lắng khi biết ai đó đang lợi dụng thông tin cá nhân của mình (trạng thái này gọi là “privacy fatigue”). Liên quan đến vấn đề này, hẳn người ta chưa quên vụ scandal diễn ra tháng 3/2018, khi thông tin của khoảng 50 triệu người dùng Facebook bị chia sẻ trái phép cho công ty Cambridge Anlytica để sử dụng cho mục đích thương mại và chính trị khiến liên minh châu Âu phải nỗ lực thúc đẩy mở cuộc điều tra khẩn cấp.
Thực tế, nhiều người cho rằng họ không có khả năng chống lại việc bị vi phạm quyền riêng tư. 32,3% người dùng không biết cách bảo vệ quyền riêng tư của mình một cách toàn diện khi online và 13% người dùng không hào hứng với việc trang bị kỹ năng bảo mật thông tin cho mình.
Cũng theo khảo sát của Kaspersky, có khoảng 1/5 số người dùng internet (19%) không thường xuyên xóa lịch sử duyệt web, hoặc không sử dụng các chương trình chặn tính năng theo dõi trực tuyến.
Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, có nhiều cách để người dùng giảm thiểu rủi ro khi online, chẳng hạn như sử dụng dịch vụ và sản phẩm có công nghệ tiên tiến để cải thiện quyền bảo mật riêng tư, kiểm tra xem dữ liệu của bạn có đang ở chế độ truy cập công khai hay không; tạo email phụ...
Để đảm bảo quyền riêng tư trong thời đại kỹ thuật số, Kaspersky Lab khuyên người dùng nên thực hiện một số cách sau:
• Quản lý kỹ thông tin dữ liệu: thường xuyên theo dõi các tài khoản và kiểm tra xem dữ liệu của bạn có đang ở chế độ truy cập công khai hay không. Tạo một email phụ để phục vụ cho việc này. • Sử dụng các công cụ đặc biệt để lướt internet an toàn, như Private Browsing hoặc công cụ có thể phát hiện những hoạt động đang ngầm truy cập webcam hoặc mic từ các ứng dụng không đáng tin cậy. • Cài đặt các giải pháp bảo mật đáng tin cậy gồm những ứng dụng để giảm thiểu rủi ro bị vi phạm quyền riêng tư, chẳng hạn như Kaspersky Security Cloud, Kaspersky Secure Connection và Kaspersky Password Manager. |