
Hôm nay (19/4), Lễ Vinh danh và trao Giải thưởng Sao Khuê 2025 đã diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Sao Khuê - điểm hẹn của các DN công nghệ số tiêu biểu
Đại diện Bộ KH&CN - cơ quan bảo trợ giải thưởng Sao Khuê 2025, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nhận định: Giải thưởng Sao Khuê là một "điểm hẹn" của các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ số tiêu biểu, những doanh nhân Việt Nam với khát vọng sáng tạo nên những sản phẩm công nghệ số, thể hiện trí tuệ Việt Nam để giải quyết các bài toán lớn của đất nước, tạo tiền đề đưa Việt Nam vươn ra toàn cầu.
Trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ, Thứ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh: Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới, với nền tảng là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số: “Kỷ nguyên này chúng ta sẽ chứng kiến sự phát triển của những công nghệ số chiến lược như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn... Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần đánh giá lại tình hình thực tế, phải tập trung xây dựng, thúc đẩy để hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực nội sinh mạnh mẽ, để từng bước xây dựng khả năng làm chủ công nghệ lõi, làm chủ chuỗi giá trị, không để bị phụ thuộc, bị động. Để làm được điều đó, rất cần sự quyết tâm, nỗ lực, tư duy đổi mới, sáng tạo và đặc biệt là khát vọng, sự dấn thân của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam”.

Đại diện Bộ KH&CN cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp CNTT, công nghệ số Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, nêu cao tinh thần trách nhiệm xã hội để tiếp tục sáng tạo ra các sản phẩm công nghệ số ngang tầm với thế giới, góp phần đưa Việt Nam vươn xa hơn nữa trên bản đồ công nghệ toàn cầu.
“Trong bối cảnh nhiều biến động, niềm tin vào trí tuệ Việt Nam, ý chí Việt Nam, khát vọng vươn xa của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vẫn luôn là nguồn động lực lớn lao. Tôi tin rằng, với những thành tựu đã đạt được, cùng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ tiếp tục viết nên những trang sử mới - không chỉ rạng rỡ trên đất nước mình, mà còn tỏa sáng trên bản đồ công nghệ toàn cầu”, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nói.
Mùa giải có nhiều "5 sao" nhất từ trước đến nay
Theo đại diện Ban tổ chức, Sao Khuê 2025 ghi dấu ấn với kỷ lục mới về quy mô, thu hút hơn 500 hồ sơ đề cử từ các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trên cả nước. Căn cứ Quy chế Chương trình, tại vòng Sơ loại, Ban Tổ chức đã tiến hành thẩm định kỹ lưỡng, loại bỏ các hồ sơ không đạt yêu cầu, tư vấn điều chỉnh nhóm/lĩnh vực phù hợp, và chọn lọc 337 đề cử tham gia vòng chấm thuyết trình thực tế từ 165 doanh nghiệp/đơn vị.
Qua 3 vòng đánh giá nghiêm ngặt Sơ loại - Thuyết trình và Chung tuyển, Hội đồng Chung tuyển toàn quốc do Tiến sĩ Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ làm Chủ tịch - cùng 40 chuyên gia uy tín, đã lựa chọn 198 nền tảng, dịch vụ, giải pháp số xuất sắc để trao Giải thưởng Sao Khuê 2025.
Các giải thưởng được vinh danh bao gồm: 5 Giải pháp xuất sắc chuyển đổi số chính phủ, chính quyền, khu vực công; 19 đề cử xuất sắc trong hạng mục cộng đồng, người dân; 34 đề cử xuất sắc thúc đẩy Quản trị doanh nghiệp; 11 giải pháp chuyển đổi số xuất sắc lĩnh vực Kinh tế - Công nghiệp; 29 Giải pháp số xuất sắc lĩnh vực Thị trường - Tiêu dùng; 26 nền tảng – hạ tầng công nghệ nổi bật; 11 Đổi mới sáng tạo; 42 Các sản phẩm phần mềm, dịch vụ mới và 21 giải pháp tiên phong về Dịch vụ số.
Từ các sản phẩm đoạt giải, Hội đồng cũng lựa chọn các đề cử xuất sắc tại mỗi nhóm lĩnh vực để tiến hành xếp hạng Sao Khuê 5 sao, nhằm ghi nhận những sản phẩm – dịch vụ vượt trội về công nghệ, hiệu quả kinh tế và tác động xã hội. Đáng nói, năm nay có 25 đề cử được xếp hạng 5 sao - là năm có số lượng giải thưởng xếp hạng 5 sao lớn nhất trong lịch sử Giải thưởng Sao Khuê từ trước đến nay.
Đặc biệt, dựa trên bộ tiêu chí nâng cao, Hội đồng cũng tiến hành bình chọn Top 10 Sao Khuê 2025 - Hạng mục danh giá nhất của Giải. Năm nay, hạng mục cao nhất này chỉ có 09 sản phẩm - dịch vụ, tiên phong trong các lĩnh vực như bảo hiểm/chứng khoán/đầu tư, Fintech, Tiếp cận số, Dịch vụ chuyển đổi số, Số hóa dữ liệu, ngân hàng số, thiết bị thông minh, quản trị hệ thống CNTT và giáo dục đào tạo.
Nhiều xu hướng công nghệ mới hiện diện tại Sao Khuê 2025
Theo đại diện Ban tổ chức, nhìn từ các giải thưởng năm nay, có thể thấy rõ các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đang bám sát với các xu hướng công nghệ trên thế giới. Trong đó, có việc đầu tư mạnh mẽ cho AI và Hạ tầng số.

"DN công nghệ Việt Nam không chỉ dừng lại ở thị trường nội địa mà còn mang trí tuệ Việt ra thế giới. Các giải pháp về AI, blockchain, và ĐTĐM được vinh danh hôm nay đã được đưa vào những hợp đồng lớn tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, Châu Âu, và Bắc Mỹ. Những thành tựu này không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam như một trung tâm cung cấp dịch vụ số, trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu vực và trên toàn cầu. Nghị quyết 57-NQ/TW đang tạo ra một động lực rất lớn, đất nước đang đòi hỏi nỗ lực sáng tạo công nghệ mạnh mẽ hơn bao giờ hết..."
Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA
Theo đó, trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo, GenAI không chỉ để tối ưu hóa vận hành mà còn tạo ra những AI Agent với năng lực vượt trội: Tự động hóa toàn trình các quy trình nghiệp vụ trong doanh nghiệp, trong các ngành tài chính, bảo hiểm, y tế, logistics…; cá nhân hóa sâu trải nghiệm người dùng; phân tích và dự báo sản xuất, bảo trì dự đoán chủ động. Không chỉ là xu hướng, GenAI đang định hình lại bản chất của các dịch vụ số, đưa Việt Nam bước vào giai đoạn "tăng trưởng bằng tri thức" thay vì "tăng trưởng bằng tài nguyên và lao động giá rẻ". Minh chứng, 100% trong số 54 đề cử của nhóm Sản phẩm mới, Đổi mới sáng tạo đều đưa AI vào ngay từ khi phát triển.
Cùng đó, Chuyển đổi số và sự bùng nổ phát triển, ứng dụng AI đang tạo ra nhu cầu Hạ tầng số lớn hơn bao giờ hết. Các tập đoàn lớn như VNPT, FPT, Viettel đang đầu tư hạ tầng trung tâm tính toán, những siêu trung tâm dữ liệu để đáp ứng nhu cầu phát triển. Năm nay, 26 giải pháp được trao giải trong lĩnh vực này, tập trung ở một số lĩnh vực về Hạ tầng số, Bảo mật, An toàn thông tin… phục vụ cho cả đối tượng các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Một số giải pháp được tích hợp vào VNeID và các giải pháp thanh toán của các doanh nghiệp, ngân hàng, ngăn chặn hàng trăm ngàn lượt tấn công, bảo vệ hơn 100 triệu thiết bị di động, giảm lỗi thiết bị từ 20% xuống 5%, tăng hiệu quả công việc lên 30 - 50%, tiết kiệm chi phí 20 - 40%... .
Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, các công ty công nghệ Việt Nam đã nắm bất rất sớm phát triển hoàn thiện nhiều AI Agents cho từng nghiệp vụ của doanh nghiệp, từ kế toán, nhân sự, bán hàng, đến quản trị, vận hành sản xuất. Một vài con số minh chứng về hiệu quả mang lại từ các giải pháp này như: Ajinomoto giảm 85% khối lượng giấy tờ, rút ngắn 70% thời gian phê duyệt, giảm 50% lỗi do con người chỉ sau 6 tháng triển khai Tasken eOffice; Flamingo Redtours chuyển đổi số giảm 40% xử lý đơn đặt hàng, tiết kiệm 25% chi phí nhân sự; MISA đã hỗ trợ 18.000 hộ kinh doanh giải quyết bài toán kế toán và khai thuế; hay Nhiệt điện Uông Bí, Bất động sản Tập đoàn TNTech đang tiết kiệm nhiều tỷ đồng với hệ thống bảo trì dự đoán tiên tiến…