Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an các địa phương cần tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội; đồng thời chủ động xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm trên địa bàn.
Trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của đối tượng vi phạm, đề nghị địa phương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an có biện pháp ngăn chặn, xử lý phù hợp.
Cũng trong công văn này, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, qua công tác quản lý nhà nước về thông tin trên mạng, Bộ nhận thấy thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng một số đối tượng đã lợi dụng các tính năng của mạng xã hội như: Phát sóng trực tiếp (livestream), chia sẻ hình ảnh, video clip, trao đổi theo nhóm (group chat)… để đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, trong đó chủ yếu là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục, tung tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép… gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc tăng cường công tác quản lý, xử lý theo thẩm quyền được giao.
Từ năm 2017 đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông địa phương xử lý nhiều trường hợp người dùng mạng xã hội YouTube, Facebook vi phạm.
Trong đó có những vụ đáng chú ý như: Xử phạt kênh YouTube Hoàng Anh – Timmy tại thành phố Hồ Chí Minh, kênh Thơ Nguyễn tại Bình Dương, kênh Hưng blog, Hưng troll tại Bắc Giang…
Ngoài ra, nhà chức trách cũng yêu cầu Google đóng nhiều kênh YouTube khác của người dùng trong nước có nội dung vi phạm pháp luật.