Sẽ xác thực danh tính tổ chức, cá nhân bán hàng online

Tạp chí Nhịp sống số - Việc xác thực danh tính tổ chức, cá nhân bán hàng online nhằm lành mạnh hóa môi trường thương mại điện tử, hạn chế tình trạng thất thu thuế, gian lận...

Với sự phát triển nhanh chóng của Thương mại điện tử (TMĐT), việc bán hàng online trên các nền tảng số đang đua nhau nở rộ. Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân bán hàng online (bao gồm livestream bán hàng), bị kiểm tra, truy thu do chưa kê khai nộp thuế. Qua thanh tra, trong 3 năm 2021 - 2023, Tổng cục Thuế đã xử lý 22.159 trường hợp bán hàng online vi phạm nộp thuế, giúp truy thu thuế tăng thêm gần 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc quản lý thuế TMĐT còn gặp không ít khó khăn nhất, đặc biệt là việc quản lý đầy đủ nguồn thu và đối tượng nộp thuế.

Trong bối cảnh đó, ngày 25/11/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 119/CĐ-TTg, yêu cầu các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử (TMĐT).

Theo đó, công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Công an, Tài chính, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, cùng Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động TMĐT và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Sẽ xác thực danh tính tổ chức, cá nhân bán hàng online
Sẽ xác thực danh tính tổ chức, cá nhân bán hàng online nhằm lành mạnh hóa hoạt động TMĐT
(Ảnh minh họa)

Công điện nhấn mạnh, trong những năm gần đây, TMĐT tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, trở thành phương thức kinh doanh phổ biến của doanh nghiệp và người dân. Với sự phát triển của các mô hình thương mại trực tuyến, đặc biệt là TMĐT xuyên biên giới, nhiều đối tượng trong xã hội đã tham gia, góp phần đưa TMĐT trở thành một xu hướng không thể đảo ngược của nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, sự bùng nổ của hoạt động TMĐT cũng đặt ra không ít thách thức. Việc giao dịch trên mạng, công tác quản lý, giám sát và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang gặp khó khăn, đòi hỏi sự điều chỉnh kịp thời về chính sách pháp luật.

Trước tình hình này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, điều chỉnh các quy định hiện hành, đặc biệt là Luật Thương mại, để đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách quản lý TMĐT nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai dịch vụ xác thực điện tử đối với các sàn TMĐT. Mục tiêu là đảm bảo tất cả tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia giao dịch trên các nền tảng TMĐT đều được xác thực danh tính, từ đó hạn chế tình trạng thất thu thuế và ngăn chặn gian lận thương mại.

Bộ Công an cũng được giao tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác bảo đảm an ninh mạng trong hoạt động TMĐT, triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

Cùng với đó, Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT. Đây là bước đi quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động xuất nhập khẩu qua kênh TMĐT.

Để đảm bảo tiến độ triển khai các yêu cầu này, Thủ tướng đã giao Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn trực tiếp chỉ đạo, giám sát và xử lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện công điện.

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tập đoàn hàng đầu về quản lý năng lượng, Schneider Electric đã phát triển nhiều dòng APC UPS tân tiến trong 4 thập kỷ, giúp đảm bảo nguồn điện ổn định và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ trung tâm dữ liệu giảm thiểu dấu chân carbron, hướng đến phát triển bền vững.