Thu phí không dừng (ETC) được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng, trong đó có Việt Nam mới triển khai. Trong số các nước thuộc Đông Nam Á, Singapore hiện đi đầu về triển khai hình thức này và đang mang lại hiệu quả lớn khi tạo ra nguồn doanh thu, đồng thời giảm ùn tắc giao thông. Đáng chú ý, quốc đảo sư tử ra mắt hệ thống từ năm 1989 nhưng tới 1998 mới chính thức triển khai với tên gọi Hệ thống định giá đường bộ điện tử (ERP).
Hệ thống hoạt động với 3 thành phần chính gồm cổng ERP đặt trên đường (cao tốc, dọc tuyến giao thông lưu lượng cao, không dùng thanh chắn), thiết bị thu phí gắn trên xe của người dân (IU) và thẻ trả phí tự động. Mỗi khi xe qua cổng ERP, thiết bị trên phương tiện sẽ tự động trừ trong thẻ trả trước, đồng thời màn hình của IU sẽ hiển thị số tiền bị trừ, số dư. Hiện có khoảng 78 ERP trên khắp Singapore và mức phí thu ở mỗi cổng sẽ tùy địa điểm, thời gian và loại phương tiện.
Trong một phần tư thế kỷ triển khai, ERP không ngừng đem lại hiệu quả nhưng người Singapore vẫn tiếp tục cải tiến hệ thống này. Theo kế hoạch, tới đây ERP sẽ không còn dùng camera để giám sát mà sử dụng hệ thống định vị vệ tinh GNSS. Vệ tinh sẽ nhận diện và tính phí xe lưu thông mà không cần tới các cổng thu cố định trên đường.
IU cũng sẽ được thay thế bởi thiết bị mới mang tên OBU (On-board Unit) và người dùng có thể đăng ký đổi miễn phí. Cùng với GNSS, chủ phương tiện lưu thông sẽ được cập nhật thông tin về tình hình giao thông, mức phí dự tính khi di chuyển để lập kế hoạch cho hành trình của mình. Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ có nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xác định chính xác biển số xe, thông tin về phương tiện và chi phí liên quan.
Tuy nhiên, kế hoạch thay mới của Singapore đang phải hoãn lại vì ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Ban đầu, chính quyền nơi đây dự tính triển khai vào năm 2021 nhưng hiện dời lịch sang năm 2023. Thái Lan cũng đang học tập mô hình này để triển khai hệ thống thu phí M-Flow, có ứng dụng AI. Theo thiết kế, hệ thống có thể xác định và tính phí xe đang di chuyển tới 120 km/giờ với thời gian xử lý nhanh hơn 5 lần hiện nay.
ERP của Singapore là giải pháp hiệu quả để quản lý và điều tiết giao thông cũng như giảm thiểu các chi phí về nhân công, vận hành. Hệ thống này chiếm ít diện tích hơn so với hình thức trạm thu phí truyền thống, lại không cần tới nhân viên bán vé.
Khi dùng hệ thống thu phí thủ công qua Area Licensing Scheme (ALS), lưu lượng xe tham gia giao thông tại quốc gia này giảm 45%, số vụ va chạm ít hơn 25%. Sau khi đưa ERP vào thực tiễn, lưu lượng xe giảm thêm 15%, tốc độ di chuyển được tối ưu và lượng người sử dụng phương tiện công cộng tăng gần 20%.
Không chỉ tạo lợi ích về mặt giao thông, ERP cũng mang về nguồn doanh thu "khủng" cho đơn vị vận hành. Theo Quỹ Bảo vệ môi trường Singapore, hệ thống thu phí không dừng tốn 200 triệu SGD (tương đương 125 triệu USD) để triển khai nhưng mang về doanh thu 80 triệu SGD (50 triệu USD) mỗi năm. Phí duy trì hằng năm khoảng 16 triệu SGD (10 triệu USD).