Các kỹ sư của SoftBank cho biết họ đang học hỏi từ đợt triển khai đầu tiên. Họ nghiên cứu hành vi của người dùng tại sân bay với Pepper và đánh giá kỳ vọng của họ với chú robot này.
Tại Pyramid Taproom thuộc sân bay quốc tế Oakland (Mỹ), Pepper đã được tuyển dụng với nhiệm vụ đón khách và trình thực đơn món ăn, đồ uống. Ngoài ra, nó còn làm nhiệm vụ chỉ đường cho các hành khách có nhu cầu.
Pepper sân bay cũng như Pepper chỉ đường tại một trung tâm thương mại gần San Francisco là những nỗ lực đầu tiên mà công ty Nhật Bản thực hiện để tìm chỗ đứng cho robot tại Mỹ.
Sự xuất hiện của Pepper giúp cho cửa hàng bán chạy hơn gấp nhiều lần.
Các sân bay được đánh giá là môi trường khắc nghiệt đối với khả năng nhận diện giọng nói của robot, nhưng tại đây Pepper tỏ ra thành công khi ghi điểm với đám đông. Ngay khi một người vừa nói chuyện xong với Pepper, người khác đã nhanh chóng tiến đến. Chỉ trong 3 tiếng, Pepper đã đón khoảng 20 vị khách, cố gắng bắt tay và cùng chụp ảnh tự sướng.
Để tạo ra tác động lâu dài, robot phải sử dụng đôi mắt ngoại cỡ, hoa chân múa tay, nhấp nháy đèn và màn hình cảm ứng gắn trên ngực để làm được nhiều điều hơn là chỉ khơi gợi trí tò mò thông thường.
Hiện, SoftBank đang nghiên cứu để cải thiện và mở rộng chức năng của Pepper để có thể đưa ra câu trả lời nhanh chóng và chính xác.