Startup Việt giành giải thưởng 1 triệu USD tại Startup World Cup

Startup Việt giành giải thưởng 1 triệu USD tại Startup World Cup
Tạp chí Nhịp sống số - Abivin - startup cung cấp phần mềm quản lý chuỗi cung ứng tối ưu vận tải - đã vượt qua các đối thủ từ hơn 40 quốc gia trên thế giới để trở thành quán quân của Startup World Cup, giành giải thưởng 1 triệu USD đầu tư, hiện thực hóa khát vọng "Make in Vietnam".

Startup, Startup Việt, Techfest Vietnam,

Startup World Cup là cuộc thi về khởi nghiệp hàng đầu thế giới do Fenox Ventures tổ chức, với sự tham gia của các chuyên gia là các nhà đầu tư lâu năm từ thung lũng Silicon và các doanh nghiệp khởi nghiệp trên khắp thế giới. Chương trình cộng tác với các cuộc thi uy tín của hơn 40 quốc gia mỗi năm và tổ chức đêm chung kết tại Hoa Kỳ.

Thông tin từ Văn phòng Đề án 844 (Bộ Khoa học và công nghệ) cho biết: Ngày 17/05 vừa qua, Abivin - startup cung cấp phần mềm quản lý chuỗi cung ứng tối ưu vận tải - đã vượt qua các đối thủ đến từ 40 quốc gia trên thế giới để trở thành quán quân của Startup World Cup (San Francisco), giành giải thưởng 1.000.000 USD đầu tư, hiện thực hóa khát vọng "Make in Vietnam".

Abivin là quán quân tại Cuộc thi thuộc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - Techfest Vietnam 2018 và được Bộ Khoa học và Công nghệ kết nối trở thành đại diện của Việt Nam tham dự Startup World Cup tranh tài cùng các doanh nghiệp từ hơn 40 quốc gia trên thế giới như Nhật, Mỹ, Canada, Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc,.....

Startup này đã có 4 năm hoạt động cùng sản phẩm Abivin vRoute - phần mềm có thể tạo ra một kế hoạch định tuyến tối ưu chỉ trong vài giây, đồng thời, tối đa hóa công suất của xe và giúp tiết kiệm 40% chi phí nhân lực và nhiên liệu, Abivin đã ngày càng cho thấy giá trị của các sản phẩm khởi nghiệp “thuần Việt” trên trường quốc tế, hiện thực hóa khát vọng "Make in Vietnam".

Trước đó, Abivin đã được đào tạo và trưởng thành thông qua Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Phần Lan, Giai đoạn 2 (IPP2) vận hành bởi Bộ Khoa học và Công nghệ, sau đó là tham gia hàng loạt các chương trình như Shark Tank Việt Nam, Techfest Vietnam 2018 và được kết nối để với các chương trình quốc tế như giải thưởng Rice Bowl Startup Awards và mới đây nhất là Startup World Cup 2019, Abivin vinh dự đưa khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam lên bản đồ của thế giới, khẳng định những sự thay đổi về chất của khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.

Anh Phạm Nam Long  - sáng lập Abivin - cho biết: Để đến được với chiến thắng này, có 3 yếu tố cốt lõi, đó là: tìm được vấn đề trong thị trường logistics thời điểm đó và lựa chọn giải quyết bằng sản phẩm công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo; sự đồng lòng của các nhân sự của Abivin từ những ngày đầu dù công ty khởi nghiệp còn nhiều khó khăn về danh tiếng, khách hàng, sản phẩm. "Đặc biệt là những hỗ trợ từ phía Chính phủ, mà đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ với Đề án 844 đã giới thiệu các chuyên gia, cố vấn, đứng ra chủ trì tổ chức các chương trình và kết nối Abivin với hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước và quốc tế”.

Anh cũng chia sẻ nhờ có giai đoạn làm du học sinh ngành Khoa học Máy tính tại Đại học Cambridge và làm việc tại Google, những môi trường tốt nhất thế giới, mà bản thân anh cũng như các cộng sự với tư cách là sáng lập viên có thể có thể tự tin trước những thử thách mới vượt ra ngoài lãnh thổ: “Việc chúng ta có tầm nhìn quốc tế ngay từ đầu sẽ giúp cho startup với sản phẩm sáng tạo có được năng lực cạnh tranh quốc tế cao.” - anh Long nói.

“Nếu thuận lợi, Abivin dự định sử dụng tiền đầu tư để tiếp tục phát triển R&D cho sản phẩm với trí tuệ nhân taọ trong logistics để giải quyết bài toán lõi về công nghệ tối ưu hóa tìm đường” - anh Long chia sẻ về đinh hướng tương lai.

Bên cạnh đó, Abivin cũng sẽ mở rộng thị trường ngoài Hà Nội, TP.HCM của Việt Nam và tiến tới ở Myanmar, Singapore, Thái Lan, và Indonesia,  mong muốn có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư để phát triển doanh nghiệp.

Đại diện startup này cũng mong muốn có thể có được những điều kiện tốt hơn hạ tầng CNTT cho startup, những ưu đãi đối với ngành phần mềm tại Việt Nam... và đặc biệt là giáo dục Việt Nam sẽ ưu tiên các môn khoa học và kỹ thuật để có thêm nhân tài hoạt động trong lĩnh vực và xây dựng được lõi công nghệ đột phá cho Việt Nam. Cùng với đó, những hỗ trợ công ty kết nối với các tập đoàn lớn, tập đoàn đa quốc gia để giảm chi phí vận hành logistics sẽ không chỉ đem lại những lợi ích cho kinh tế Việt Nam mà còn cho toàn khu vực.

Theo Văn phòng Đề án 844, Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - Techfest Vietnam 2019 tới đây sẽ tổ chức Techfest quốc tế ở một số quốc gia trên thế giới, chào đón sự tham gia của startup Việt toàn cầu. Chương trình trọng điểm sẽ diễn ra vào cuối năm với chung kết cuộc thi sẽ là sự tranh tài của những startup chiến thắng các cuộc thi khởi nghiệp trên toàn quốc trong cả năm, Techfest hứa hẹn sẽ giúp giới thiệu thêm nhiều Startup "thuần Việt" tiềm năng ra quốc tế.

Có thể bạn quan tâm

Vào sáng ngày 13 tháng 4 năm 2024 tại Nhà hát Quân Đội, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đã tổ chức lễ trao Giải thưởng Sao Khuê 2024 cho 169 sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin của 117 doanh nghiệp công nghệ. Trong đó, EcoIT - đứng đầu là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Hải đã xuất sắc trở thành một trong những doanh nghiệp giành được giải thưởng năm nay với đề cử Phần mềm Kho lưu trữ tài liệu điện tử EcoECM lĩnh vực Văn phòng số.