Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại hội thảo.
Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo Quốc gia về An ninh Bảo mật 2017 (Security World 2017). Theo đó, PGS. TS Đỗ Anh Tuấn - Phó Cục trưởng C50 cho biết, các phần mềm gián điệp được điều khiển từ xa, có chức năng lấy mọi thông tin lưu trong máy tính, phá hủy dữ liệu, ghi âm thanh, lấy thông tin mật khẩu, thông tin cá nhân, chụp ảnh màn hình, tự động bật webcam… và gửi tất cả dữ liệu thu được cho đối tượng qua thư điện tử.
Security World 2017 có chủ đề “Bảo đảm an ninh mạng, an ninh thông tin trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4” được tổ chức ngày 4/4 tại Hà Nội |
Trong phần phát biểu tại Hội thảo, Thượng tướng Bùi Văn Nam - Thứ trưởng Bộ Công an - cũng cho biết: Các đối tượng phạm tội hoạt động tại Việt Nam có xu hướng liên kết với tội phạm công nghệ cao nước ngoài để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực như: tội phạm trộm cắp thông tin thẻ tín dụng; gian lận cước viễn thông; tấn công truy cập bất hợp pháp vào những trang web thương mại điện tử nước ngoài; lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet, tội phạm đánh bạc và tổ chức đánh bạc qua mạng, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy...
Trên mạng Internet, nhiều diễn đàn của tội phạm mạng (Underground) chứa các nội dung vi phạm pháp luật như phản động, khiêu dâm, cờ bạc, cá độ, mua bán thông tin thẻ tín dụng do trộm cắp được, tiền ảo… đều đặt host (máy chủ) tại nước ngoài, mạng lưới hoạt động trên nhiều quốc gia với hình thức hoạt động tinh vi nhằm tránh sự kiểm soát, xử lý của các cơ quan chức năng. Những trang web, diễn đàn nước ngoài và trong nước về bảo mật thường xuyên cung cấp, trao đổi những thông tin về việc công bố lỗ hổng bảo mật, chia sẻ các công cụ, phương pháp khai thác tấn công hệ thống mạng máy tính. Hoạt động của tội phạm có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để che giấu hành vi phạm tội của mình hoặc liên tục thay đổi phương thức hoạt động phạm tội nhằm trốn tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng.
Theo Thượng tướng Bùi Văn Nam, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được dự báo sẽ tạo ra những cơ hội lớn cho Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tự động hoá các quy trình kinh doanh, tăng cường khả năng kết nối qua các thiết bị di động và tiếp cận với cơ sở dữ liệu lớn, đồng thời những tính năng xử lý thông tin sẽ được nhân lên bởi những đột phá công nghệ trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích và cơ hội, nó cũng đang đặt ra cho Việt Nam những hiểm họa khôn lường về an ninh mạng, an ninh thông tin, đặc biệt trong bối cảnh mà các cuộc tấn công mạng ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Minh chứng cho nhận định này, Báo cáo an ninh mạng do Tập đoàn công nghệ Bkav công bố mới đây ghi nhận năm 2016 là năm bùng nổ của ransomware. Trung bình 10 email nhận được thì 1,6 email có chứa ransomware. Thiệt hại ước tính lên đến 10.400 tỷ đồng, tăng gần 9.000 tỷ đồng so với mức thiệt hại năm 2015.
Thông tin từ Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) cũng cho thấy, năm 2016 đã có hơn 134.000 sự cố an ninh mạng (bao gồm sự cố Phishing, Malware và Deface), tăng gấp bốn lần so với năm 2015. VNCERT cũng cảnh báo mức độ phát triển và lây lan nhanh chóng của mã độc mã hóa dữ liệu Ransomware trong năm qua.
Đáng nói là, bên cạnh những thông tin cảnh báo đó, người dùng Việt vẫn chưa có ý thức và kiến thức đầy đủ để có thể tự bảo vệ mình. Thậm chí, có chuyên gia còn cho rằng, kiến thức bảo mật của nhiều người dùng Việt vẫn như thuở "sơ khai" gần 20 năm trước khi mà Internet mới vào Việt Nam - một thực trạng hết sức đáng quan ngại trong vấn đề an ninh bảo mật hiện hành.
Đại diện C50 khuyến cáo: các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân cần nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng, kiến thức, kỹ năng đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng; nâng cao kỹ năng tiếp nhận, xử lý thông tin để trở thành người sử dụng thông minh; có ý thức tuân thủ pháp luật trong thế giới mạng cũng như ý thức tự bảo vệ thông tin cá nhân.