Tập huấn truyền thông số trong xây dựng thương hiệu giáo dục nghề nghiệp

Tạp chí Nhịp sống số - Đổi mới công tác truyền thông thương hiệu và tuyển sinh cho giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nhờ các kiến thức, kỹ năng về truyền thông và tiếp thị số, đó là những thu hoạch bước đầu mà khóa tập huấn "Xây dựng nội dung, phát triển thương hiệu GDNN" mang lại.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình "Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam" do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) phối hợp với Tổng cục GDNN - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức, nhằm đẩy mạnh quảng bá hình ảnh của GDNN trong hệ thống các trường đối tác của Chương trình.

Theo đó, khóa tập huấn "Xây dựng nội dung, phát triển thương hiệu GDNN" diễn ra từ 7 – 9/12/2022 tại TP. Huế, dành cho các cán bộ phụ trách truyền thông của 11 trường cao đẳng trên toàn quốc. 

Đổi mới sáng tạo trong truyền thông tuyển sinh, hướng nghiệp

Chương trình "Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam" được ủy quyền bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ), do GIZ phối hợp với Tổng cục GDNN - Bộ LĐTB&XH triển khai thực hiện trên địa bàn 10 tỉnh - thành, trong đó có Thừa Thiên Huế.

Mục tiêu của Chương trình là nâng cao chất lượng của GDNN để thích ứng với thế giới việc làm không ngừng thay đổi, ngày càng trở nên "xanh" và được số hóa hơn. Các chủ đề hoạt động chính của Chương trình bao gồm: Tư vấn chính sách về cải cách hệ thống và hành chính để nâng cao tính thích ứng của GDNN trong thế giới việc làm không ngừng thay đổi; hỗ trợ 11 trường cao đẳng chất lượng cao cung cấp những khóa đào tạo theo mô-đun ở trình độ cấp trung cấp và cao đẳng, định hướng tiêu chuẩn của Đức và quốc tế; đồng thời phù hợp với những yêu cầu và quy định của Việt Nam.

Đối với hoạt động truyền thông về GDNN, Chương trình "Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam" chú trọng đến việc nâng cao năng lực của các cán bộ tại các cơ sở, từ đó đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá, truyền thông tuyển sinh, truyền thông nội bộ. Qua đó, đẩy mạnh hơn việc xây dựng hình ảnh tại các cơ sở GDNN, thu hút người học tham gia học nghề, nâng cao tỷ lệ người học nghề tại Việt Nam. Từ năm 2018 tới nay, chương trình đã thực hiện các nội dung huấn luyện như “Kỹ năng viết bài, kỹ năng chụp ảnh, quay video, kỹ thuật livestream, Tiếp thị số, Quan hệ công chúng”.

Trong chương trình tập huấn "Xây dựng nội dung, phát triển thương hiệu GDNN" diễn ra tại Huế tháng 12/2022, liên quan đến Đổi mới Đào tạo nghề được đề cập đến những hạng mục chính như: Xây dựng thương hiệu 4.0; thiết lập hệ sinh thái truyền thông số trong truyền thông tuyển sinh và xây dựng thương hiệu; kỹ năng lập chiến lược truyền thông dài hạn và ngắn hạn, sáng tạo nội dung và kỹ năng sản xuất các sản phẩm truyền thông số.

Tập huấn truyền thông để Đổi mới Đào tạo nghề
Các giáo viên dạy nghề thực hành về xác định giá trị thương hiệu và marcom 4.0 tại chương trình tập huấn

Từ các kiến thức này, kết hợp với điều kiện thực tế về quy mô, nhân sự, cơ sở vật chất của mỗi trường, các giáo viên có thể bám vào nội dung trọng tâm về tuyển sinh từng năm để thay đổi, sáng tạo thêm nhiều các sản phẩm truyền thông và đưa lên nhiều nền tảng khác nhau trong hệ sinh thái truyền thông, nhằm tiếp cận rộng rãi hơn đến người học và công chúng.

Đổi mới đào tạo nghề từ xây dựng thương hiệu GDNN

Đến với khóa tập huấn, nhiều thầy cô chia sẻ rất tâm huyết rằng, dù đang vừa làm công tác quản lý hay giảng dạy chuyên môn, vừa phải kiêm nhiệm công tác truyền thông và tuyển sinh nhưng thầy cô vẫn luôn nỗ lực hết sức cho công tác truyền thông của trường. Hầu hết các thầy cô đều phải tự học tập, nghiên cứu về truyền thông, thương hiệu và công tác triển khai chủ yếu bám theo kế hoạch hoạt động của nhà trường. Khoá tập huấn vì thế sẽ giúp các thầy cô giáo có thêm kiến thức, công cụ cũng như kỹ năng về xây dựng thương hiệu giáo dục nghề nghiệp và truyền thông trong thời đại số.

Tập huấn truyền thông để Đổi mới Đào tạo nghề
Các giáo viên chia sẻ những vấn đề về đổi mới đào tạo nghề và hành trình xây dựng thương hiệu GDNN

Theo đó, đổi mới đào tạo nghề cần bắt đầu từ thay đổi nhận thức của cộng đồng về lựa chọn ngành nghề trong xã hội, về “thứ hạng” hay điểm tích cực của các trường nghề so với trường đại học. Để làm được như vậy, công tác xây dựng thương hiệu cho các trường cần được thực hiện bài bản, có kế hoạch dài hạn và thực hiện hàng ngày từ chính những công việc cơ bản. Nếu người làm công tác tuyển sinh ý thức về điều này và có kỹ năng xây dựng thương hiệu, mỗi một con số, thông tin, hình ảnh, mỗi điểm chạm và trải nghiệm của học sinh, sinh viên, phụ huynh, thầy cô… đều là những nguyên liệu đắt giá để quảng bá cho hình ảnh của trường, hay truyền thông về ngành nghề đào tạo.

Tập huấn truyền thông để Đổi mới Đào tạo nghề
Buổi đi thực tế tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, các giáo viên cùng trao đổi và chia sẻ về những điểm chạm góp phần xây dựng thương hiệu 

Qua các buổi huấn luyện, giảng viên của chương trình cùng các học viên đã cùng trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm đã, đang thực hiện trong hoạt động truyền thông của từng trường.

Tôi nhận thức rõ hơn rằng các trường nghề nói chung và trường mình nói riêng có những ưu điểm như: bề dày truyền thống, cơ sở vật chất hay đội ngũ giáo viên, hoặc đang đào tạo những nghề mà nhu cầu rất lớn trong thị trường lao động. Sản phẩm “đầu ra” là những người thợ trẻ vững tay nghề, có thể nhanh chóng hòa nhâp môi trường lao động công nghiệp quốc tế và nắm bắt những kỹ năng mới… Đó đều là những điểm mạnh có thể làm nên thương hiệu dạy nghề cho Trường”, Ông Lê Hải Diên, phụ trách truyền thông, Cao đẳng kỹ thuật Việt-Đức Hà Tĩnh tham gia khóa tập huấn chia sẻ.

Bà Maria Zandt, Phó Giám đốc Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam”, GIZ, hy vọng và tin tưởng rằng: “Qua những hoạt động nâng cao năng lực về truyền thông mà GIZ tổ chức và đặc biệt là khóa tập huấn "Xây dựng nội dung, phát triển thương hiệu GDNN" lần này, giáo viên của hệ thống các trường cao đẳng đối tác sẽ có được kỹ năng tốt hơn để triển khai các nội dung truyền thông, góp phần nâng cao hình ảnh GDNN tại địa phương, đồng thời đẩy mạnh công tác phân luồng trong giáo dục hiện nay”.

Có thể bạn quan tâm