Techfest 2021 - Chọn cách tiếp cận mới cho hệ sinh thái khởi nghiệp

Techfest 2021 - Chọn cách tiếp cận mới cho hệ sinh thái khởi nghiệp
Tạp chí Nhịp sống số - Tại chương trình Techfest Việt Nam 2021, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng chia sẻ về chính sách tạo động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Chiều 14/12, chương trình "Dấu ấn Techfest và Whise 2021" trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia Techfest Việt Nam 2021 lần thứ 7 đã được tổ chức.

Sự kiện có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng nhiều lãnh đạo bộ, ngành, các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, nhà khoa học.

Đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam tăng cao

Phát biểu khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết việc thay đổi để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đã trở thành điều kiện tất yếu của cuộc sống trong trạng thái bình thường mới.

Trong bối cảnh đó, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cung cấp những giải pháp mới, công cụ hiệu quả cho việc phòng và chống đại dịch đồng thời cũng được ứng dụng mạnh mẽ vào cuộc sống để kiến tạo và phát triển môi trường bình thường mới.

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, năm 2021, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng nguồn tài chính đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam lại tăng cao chưa từng thấy trước đó. Hơn 1,3 tỷ USD đã được ghi nhận đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, cao nhất từ trước tới nay.

Trong hệ sinh thái, sự tham gia của các chủ thể ngày càng tích cực và đã có sự tăng trưởng tốt về số lượng, cụ thể hiện có khoảng hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp; trong đó có 202 khu làm việc chung, 217 quỹ đầu tư/nhà đầu tư, 79 cơ sở ươm tạo, 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh...

Hiện Việt Nam đang từng bước hình thành các mạng lưới liên kết, thúc đẩy dòng chảy của tri thức, của công nghệ trong và ngoài nước.

Một mạng lưới hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam và mạng lưới các hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ đã được thiết lập.

"Đây cũng là những tiền đề quan trọng để mở rộng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, kết nối ngày càng hữu cơ và hiệu quả hơn với các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo khác trong khu vực và thế giới", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.

Techfest 2021 - Chon cach tiep can moi cho he sinh thai khoi nghiep hinh anh 2

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại chương trình. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh vai trò của đổi mới sáng tạo. Thủ tướng cho rằng những khó khăn, thách thức từ thực tế cần giải quyết bằng đổi mới sáng tạo. "Đây cũng là yêu cầu khách quan của phát triển, giai đoạn nào cũng cần sáng tạo để khẳng định và vươn lên," Thủ tướng nói.

Vì vậy, Thủ tướng cho rằng đổi mới sáng tạo phải bám sát chủ trương của Đảng lần thứ XIII đã đề ra, góp phần làm cho mọi người dân ấm no hạnh phúc, bảo vệ hòa bình độc lập, chứng minh trí tuệ, sức sáng tạo của con người Việt Nam.

Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo mở

Tại phiên thảo luận "Phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo mở," Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đã chia sẻ về chính sách tạo động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Ông cho biết bộ được Chính phủ giao là đầu mối phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Trên cơ sở đó, bộ đã trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung một số nội dung của đề án 844 cho phù hợp với thực tế. Ông cho rằng nếu không có chính sách mới sẽ không giải quyết được bài toán kinh tế xã hội.

"Hiện nay chúng tôi đang yêu cầu các đơn vị có các thông tư hướng dẫn cụ thể đảm bảo hệ sinh thái hoạt động hiệu quả. Trước đây, hệ sinh thái khởi nghiệp chỉ làm việc kết nối trong hệ sinh thái, giữa người làm khởi nghiệp với nhà đầu tư. Đến 2021, chúng tôi chọn cách tiếp cận kết nối với doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty để họ đặt đầu bài cho hệ sinh thái khởi nghiệp," Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết.

Theo thứ trưởng, người làm khởi nghiệp có ý tưởng để giải quyết bài toán cho doanh nghiệp, nhưng năng lực không đủ, nên cần đến các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước. "Chính vì thế, chúng tôi đã kết nối với trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, giúp giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp đồng thời doanh nghiệp đi cùng với các startup hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp," ông Tùng cho hay.

Techfest 2021 - Chon cach tiep can moi cho he sinh thai khoi nghiep hinh anh 3

Trả lời câu hỏi về vai trò của đổi mới sáng tạo, ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam, cho biết nhìn từ góc độ doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo có vai trò quyết định đối với doanh nghiệp để duy trì và nâng cao tính cạnh tranh trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.

Ông Thảo cho rằng đổi mới sáng tạo mở giúp cho các doanh nghiệp tăng năng suất chất lượng và hiệu quả, giảm hiểu rủi ro.

Tuy nhiên, đổi mới sáng tạo mở còn mới nên cần tuyên truyền về lợi ích của nó, cùng kiến tạo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo lấy thị trường làm trung tâm để kết nối giữa doanh nghiệp và nhà nghiên cứu sáng chế, giải quyết bài toán cho doanh nghiệp, tạo của cải vật chất.

Ông Ngô Hướng Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết trong tổng số 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 10%, tương đương 500.000-600.000 chuyên gia tri thức có trình độ trên đại học trở lên. Đây là một nguồn lực lớn giúp đóng góp sự phát triển của đất nước.

"Chúng tôi đã tổ chức kết nối tạo thành mạng lưới các hội trí thức kiều bào với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. Mạng lưới được điều hành bởi 21 chủ tịch là Việt kiều, đến từ 15 quốc gia trên thế giới", ông Nam nói. Sự ra đời của mạng lưới nhằm thu hút tất cả tri thức người Việt Nam ở nước ngoài, trở thành sức mạnh có thể đóng góp sự phát triển của đất nước. Hiện nhiều chuyên gia kiều bào người nước ngoài làm cố vấn để hỗ trợ các startup trong nước.

Còn ông Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng cần kết hợp khơi thông nguồn lực trong nước.

Theo ông Sơn, cách tiếp cận đổi mới sáng tạo mở chia thành hai nhóm. Nhóm từ bên ngoài vào, doanh nghiệp tìm giải pháp, ý tưởng từ bên ngoài để giải quyết vấn dề của doanh nghiệp. Nhóm từ bên trong ra, có nghĩa các doanh nghiệp chia sẻ ý tưởng giải pháp nguồn lực của mình cho cộng đồng.

Sau diễn đàn đối thoại, đại diện Cục Phát triển Thị trường doanh nghiệp và Khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (NATEC) đã ký thỏa thuận hợp tác với đại diện các tập đoàn lớn là Vingroup, Sao Thái Dương, APEC, Vicoland…

Đây là hoạt động nhằm xây dựng mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia bằng cách kết nối, thu hút sự tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.

Có thể bạn quan tâm