Kể từ 1/7, một nền tảng NFT của Tencent đã chính thức đóng cửa sau khi chứng kiến thảm cảnh doanh số rớt đậm. Ngoài ra, nền tảng NFT còn lại của Tencent cũng chẳng khá khẩm hơn là bao: điều chuyển giám đốc điều hành liên tục và gần đây nhất là xóa mục NFT ra khỏi ứng dụng Tencent News.
Theo nhiều chuyên gia, người nổi tiếng trong giới nhận định, chính phủ Trung Quốc đã có những tác động "sau lưng" và dồn mảng NFT của Tencent đến hẻm cụt. Cụ thể, Bắc Kinh đã cấm tất cả mọi giao dịch cá nhân đối với người sở hữu NFT sau khi đã mua nó, từ đó NFT không thể tiếp tục sinh lợi nhuận và lượng người dùng hứng thú với loại hình nghệ thuật này sụt giảm đáng kể là điều tất yếu.
Dù vậy, heo Wu Blockchain, một nhân vật chuyên cung cấp và nhận định tin tức thị trường tiền điện tử mã hóa Trung Quốc, người dân lục địa vẫn giao dịch "chui" NFT trên các thị trường thứ cấp.
Trước sức hút lớn của NFT tại Trung Quốc lục địa, hai ông lớn công nghệ Alibaba và Tencent đã xem đây là một vùng đất màu mỡ và đầu tư rất "đậm". Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc thì có quan điểm trái ngược và quyết tâm hạn chế mảng này đến cùng.
Trước Tencent, Weibo và WeChat đã phải quét các tài khoản có liên quan đến các nền tảng NFT. Trong khi đó Alibaba thì đã phải vội dẹp luôn nền tảng NFT sau khi phát hành chưa được bao lâu.
Mặc dù chính phủ Trung Quốc rất "gắt" với crypto, các "dân chơi" tại đất nước tỉ dân lại liên tục tìm đến các cơ chế vượt rào. Theo một thống kê gần đây, Trung Quốc vẫn đang nắm giữ tỉ lệ "đào coin" lớn thứ hai, chỉ sau Mỹ. Về mảng NFT, số lượng nền tảng NFT vẫn gia tăng mạnh trong 4 tháng vừa qua.