Thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm ưu thế ở Nhật Bản

Thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm ưu thế ở Nhật Bản
Tạp chí Nhịp sống số - Mặc dù là quốc gia tiên phong trong những công nghệ của tương lai, nhưng cứ năm giao dịch mua bán tại Nhật Bản thì có bốn giao dịch vẫn được thực hiện bằng tiền mặt.

Từng là quốc gia đi tiên phong trong xu hướng thanh toán không tiền mặt, nhưng Nhật Bản giờ đây đang bị tụt lại phía sau vì dân số đang già hóa ở nước này vẫn chuộng tiền mặt hơn, trong khi các nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng hướng đến các phương thức thanh toán điện tử.

Dù Nhật Bản vẫn được xem là quốc gia của đổi mới và tiên phong trong những công nghệ của tương lai, nhưng tại đây cứ năm giao dịch mua bán thì có bốn giao dịch vẫn được thực hiện bằng tiền mặt.

Trong khi đó, tại Hàn Quốc, khoảng 90% giao dịch đã được số hóa, còn Thụy Điển đang hướng tới một xã hội không tiền mặt vào năm 2023.

Nhưng tại Nhật Bản, nơi tình trạng tội phạm và giả mạo hầu như không tồn tại, người dân cảm thấy thoải mái hơn với việc mang theo tiền mặt.

Theo chuyên gia Yuki Fukumoto thuộc Viện nghiên cứu NLI, trong bối cảnh Nhật Bản đang trở thành xã hội có “dân số siêu già” (super-aged) đầu tiên, với nhóm người từ 65 tuổi trở lên chiếm hơn 28% dân số thì việc thuyết phục người tiêu dùng sử dụng công nghệ mới trở nên khó khăn hơn.

Chuyên gia Fukumoto cho rằng, một thách thức đặt ra là làm thế nào để khuyến khích người dân thay đổi thói quen của mình.

Đây là một thách thức lớn ở một đất nước chỉ có hơn 200.000 cây ATM và hầu hết các cửa hàng nhỏ chỉ chấp nhận tiền mặt để tránh phải chịu các chi phí giao dịch cao.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng “chùn bước” khi “gã khổng lồ” bán lẻ Seven & I Holdings bị tấn công mạng ngay sau khi bắt đầu vận hành hệ thống thanh toán mới sử dụng mã QR khiến họ phải hủy bỏ kế hoạch này.

Tokyo có lẽ đã chú ý tới chi phí khổng lồ của việc phụ thuộc vào tiền mặt. Theo ước tính của hãng tư vấn Boston, chi phí để duy trì hoạt động của các cây ATM và đảm bảo an toàn cho việc vận chuyển tiền mặt lên tới 2.000 tỷ yen (18,8 tỷ USD).

Tuy nhiên, thẻ thanh toán dùng cho các hệ thống giao thông ở Tokyo và các thành phố khác cũng thường được sử dụng để thực hiện các giao dịch mua hàng nhỏ từ máy bán hàng tự động hay các cửa hàng tiện ích, nhưng tiền mặt vẫn được ưa chuộng hơn khi thực hiện các giao dịch khác.

Chính phủ Nhật Bản đang kỳ vọng có thể nắm bắt cơ hội từ lượng du khách được dự đoán sẽ tăng mạnh trong dịp Thế vận hội Tokyo 2020 để tăng gấp đôi tỷ lệ giao dịch thanh toán điện tử lên 40% vào năm 2025.

Nhật Bản cũng dự định sẽ đưa ra một hệ thống điểm thưởng cho các khách hàng thanh toán bằng các hình thức không tiền mặt như một cách để giảm thiểu tác động từ việc tăng thuế tiêu dùng gây tranh cãi từ 8% lên 10% từ tháng 10/2019.

Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang nỗ lực thúc đẩy một xã hội không tiền mặt. Công ty chuyên về dịch vụ ví điện tử PayPay đã đưa ra chương trình giảm giá 10% cho những bữa tối thanh toán bằng hệ thống của công ty này.

Giám đốc điều hành của “đế chế” thương mại điện tử Rakuten (Nhật Bản) cho rằng, tiền giấy và tiền xu sẽ sớm trở nên lỗi thời và trở thành vật sưu tầm như đĩa CD bây giờ.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận vấn đề an ninh cần được cải thiện để thúc đẩy các hình thức thanh toán không tiền mặt, đặc biệt sau các vụ tấn công mạng gần đây.

Có thể bạn quan tâm

Tập đoàn hàng đầu về quản lý năng lượng, Schneider Electric đã phát triển nhiều dòng APC UPS tân tiến trong 4 thập kỷ, giúp đảm bảo nguồn điện ổn định và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ trung tâm dữ liệu giảm thiểu dấu chân carbron, hướng đến phát triển bền vững.