Đó là kết quả Khảo sát Tiêu dùng Toàn cầu năm 2019 vừa được PwC công bố. Đây là một nghiên cứu về hành vi, thói quen và kỳ vọng của hơn 21.000 người tiêu dùng trực tuyến trên 27 quốc gia và lãnh thổ. Nghiên cứu của PwC cho thấy hành vi tiêu dùng thay đổi nhanh chóng trong một loạt các lĩnh vực.
Lần đầu tiên sau 10 năm PwC thực hiện khảo sát này, người tiêu dùng cho biết họ sử dụng điện thoại thông minh nhiều hơn là các thiết bị di động khác để mua sắm trực tuyến. Cụ thể, 24% người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh để mua sắm trực tuyến hàng tuần.
"Hơn một nửa (51%) người tiêu dùng được khảo sát đã sử dụng điện thoại thông minh để thanh toán hóa đơn trực tuyến, và tỷ lệ số người chuyển tiền trực tuyến cũng là khoảng một nửa", kết quả khảo sát của PwC chỉ ra.
Trong đó, năm 2018, thanh toán di động ở Việt Nam tăng 61% và trở thành quốc gia có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Theo PwC, trên toàn cầu, thanh toán di động tăng 24% trong năm qua. Nhìn chung, thói quen này có khả năng phổ biến nhanh hơn tại các nước châu Á so với các nước phương Tây.
Bên cạnh đó, khảo sát của PwC cũng chỉ ra tỉ lệ người tiêu dùng sử dụng công nghệ kỹ thuật số cho các mục đích khác ngoài mua sắm đang tăng lên, đặc biệt là liên quan tới giải trí và truyền thông.
Cụ thể, 38% người tiêu dùng trên toàn cầu đang tải các nội dung giải trí trực tuyến ít nhất một lần mỗi ngày và trong số những người tiêu dùng thuộc thế hệ Z (những người sinh từ năm 1998 - 2010), giải trí trực tuyến chiếm hơn 50%.
Đối với tin tức, 25% người tiêu dùng hiện nay tìm đến mạng xã hội để tìm hiểu các sự kiện thời sự. Với sự phổ biến của mạng xã hội, điều này có thể không gây ngạc nhiên. Quảng cáo trên mạng xã hội (với đặc tính cho phép người tiêu dùng tương tác với thương hiệu) hiện được xếp hạng là hình thức quảng cáo hiệu quả thứ ba. Đối với thế hệ Y (những người sinh từ năm 1980-2000), đây là hình thức quảng cáo phổ biến nhất, đánh bại quảng cáo truyền hình truyền thống.