Hạ tầng thanh toán di động của Trung Quốc thuộc nhóm phát triển nhất thế giới, song các hệ thống thanh toán mới - chỉ yêu cầu nhận diện khuôn mặt - sẽ được thực hiện trên toàn quốc có thể khiến các mã QR trở nên lỗi thời.
Các khách hàng khi mua hàng hóa chỉ cần đứng trước một máy bán hàng chấp nhận thanh toán bằng thẻ (POS) được trang bị camera sau khi kết nối hình ảnh khuôn mặt của họ với một hệ thống thanh toán điện tử hay ngân hàng.
Bất chấp những quan ngại về vấn đề an ninh dữ liệu và tính riêng tư, người tiêu dùng Trung Quốc dường như không lo ngại về sự phát triển của công nghệ thanh toán nhận diện khuôn mặt.
Alipay, chi nhánh tài chính của công ty thương mại điện tử Alibaba, hiện cung cấp công nghệ này tại 100 thành phố ở Trung Quốc.
Alipay dự kiến lĩnh vực này sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và mới đây đã bắt đầu tiến hành một đợt nâng cấp cho hệ thống thanh toán "Smile-to-Pay," sử dụng một chiếc máy có kích thước xấp xỉ máy tính bảng iPad.
Alipay sẽ chi 3 tỷ nhân dân tệ (420 triệu USD) trong 3 năm về triển khai công nghệ này. Trong khi đó, công ty công nghệ Tencent, hiện quản lý ứng dụng WeChat với 600 triệu người sử dụng, đã “trình làng” một chiếc máy thanh toán bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt có tên "Frog Pro" hồi tháng 8/2019, giữa lúc ngày càng nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp cố gắng tham gia thị trường mới phát triển này.
Theo nhà phân tích Mengmeng Zhang của Counterpoint, công nghệ thanh toán thông qua nhận diện khuôn mặt chắc chắc có thể trở nên phổ biến với những nỗ lực phát triển của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán di động.
Mặc dù vậy, nhà nghiên cứu về Trung Quốc Adam Ni của Đại học Macquarie ở Sydney, Australia, cho rằng bảo mật thông tin khách hàng trong công nghệ thanh toán thông qua nhận diện khuôn mặt là một trong những vấn đề gây tranh luận.