Thế hệ Millennials, Baby Boomers lo ngại với công nghệ Deepfakes

Thế hệ Millennials, Baby Boomers lo ngại với công nghệ Deepfakes
Tạp chí Nhịp sống số - Tại khu vực Đông Nam Á (ĐNA), những người thuộc thế hệ X và thế hệ Z ít lo sợ về các công nghệ như công nghệ sinh trắc học, thiết bị thông minh, robot và công nghệ deepfakes, trong khi các thế hệ Millennials và Boomers lại cảnh giác hơn.

Thông tin trên được đưa ra từ nghiên cứu của Kaspersky có tên“Nghiên cứu về vị trí của chúng ta trong nền kinh tế danh tiếng kỹ thuật số”. Nghiên cứu được thực hiện tháng 11/2020 vừa qua, với 831 người dùng mạng xã hội ở ĐNA được hỏi về mức độ sợ hãi của họ đối với các xu hướng công nghệ hiện tại. 

Kết quả nghiên cứu cho thấy hơn một nửa (62%) trong số những người tham gia khảo sát cảm thấy sợ công nghệ deepfake. Tỷ lệ này cao nhất trong nhóm Baby Boomers (74%) và thấp nhất ở nhóm Gen X (58%).

Deepfakes là công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra hình ảnh, âm thanh hoặc bản ghi âm giọng nói giống như của một người khác. Điều này không phải là không có cơ sở, vì các video deepfake đã được sử dụng cho các mục đích chính trị, cũng như để trả thù cá nhân. Công nghệ này còn được sử dụng rộng rãi trong các vụ tống tiền và lừa đảo lớn.

Ví dụ, Giám đốc điều hành một công ty năng lượng của Anh bị lừa 243.000 USD khi kẻ gian dùng giọng nói Deepfake của người đứng đầu công ty mẹ yêu cầu ông này chuyển tiền khẩn cấp. Giọng nói giả giống thật đến mức vị giám đốc này đã không nghĩ tới việc kiểm tra lại; tiền được đến tài khoản ngân hàng của bên thứ ba thay vì tài khoản của trụ sở chính. Vị giám đốc điều hành chỉ bắt đầu nghi ngờ khi "vị sếp" đó yêu cầu chuyển thêm một khoản tiền khác. Nhưng đã quá muộn để lấy lại số tiền đã chuyển.

Ở ĐNA, những người tham gia khảo sát vẫn tỏ ra đề phòng - mặc dù ở một mức độ thấp hơn - đối với các công nghệ sinh trắc học như công nghệ sử dụng vân tay, máy quét mống mắt và nhận dạng khuôn mặt (32%), thiết bị thông minh (27%) và các công cụ robot như robot hút bụi (15%).

Với mạng xã hội, lo lắng của người dùng về các công nghệ đang phát triển cũng là chính đáng, xuất phát từ những trải nghiệm tiêu cực của họ trên mạng. 

Sự cố phổ biến nhất mà hơn 30% người tham gia phỏng vấn từng gặp phải là bị chiếm đoạt tài khoản, trong đó tài khoản mạng xã hội của họ bị người khác trái phép chiếm quyền truy nhập. Hơn một phần tư (29%) người tham gia phỏng vấn từng bị tiết lộ thông tin bí mật.

Cùng đó, 28% người tham gia khảo sát chia sẻ rằng thiết bị của họ bị cố tình xâm nhập, 24% nói thông tin cá nhân của họ hoặc bị đánh cắp hoặc sử dụng mà không được họ đồng ý hoặc bị công khai trên mạng (23%).

Những sự cố này gây ra các hậu quả đối với nạn nhân như phải nhận thư rác và quảng cáo (43%), cảm giác căng thẳng (29%), cảm thấy bối rối hoặc bị xúc phạm (17%), thiệt hại về danh tiếng (15%) và tổn thất tiền bạc (14%).

Chris Connell - Giám đốc điều hành khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Kaspersky - nhận định: “Khảo sát của chúng tôi cho thấy các sự cố đáng tiếc có thể xảy ra trên mạng nhưng lại gây ra hậu quả trong đời thực. Công nghệ luôn phát triển để mang lại nhiều điều tốt đẹp hơn, tuy nhiên, vẫn phải rất thận trọng khi sử dụng công nghệ.”

Tuy nhiên, nghiên cứu này còn cho thấy vẫn có gần 20% người dùng trong khu vực ĐNA tin rằng họ không cần phần mềm bảo mật internet để bảo vệ cuộc sống trực tuyến của mình. Suy nghĩ này phổ biến nhất trong thế hệ Gen Z (17%), tiếp theo là thế hệ Millennials (16%). 15% người tham gia phỏng vấn thuộc thế hệ Gen X và Baby Boomers cũng cho rằng những giải pháp này là không cần thiết.

Ông Connell tỏ qua quan ngại về thực trạng này: "Là con người, chúng ta thường xuyên mắc lỗi; nên các giải pháp này có thể trở thành tấm lưới an toàn bảo vệ chúng ta. Mặc dù không có một giải pháp hoàn hảo nào cho bảo mật mạng, nhưng đảm bảo các biện pháp phòng thủ cơ bản vẫn là một biện pháp quan trọng. Các chủ doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề này vì cơ sở hạ tầng CNTT an toàn của doanh nghiệp đang được truy cập ngày càng nhiều từ các mạng kém an toàn hơn tại nhà riêng của người lao động.”

Báo cáo “Nghiên cứu về vị trí của chúng ta trong nền kinh tế danh tiếng kỹ thuật số” của Kaspersky nghiên cứu thái độ của các cá nhân ở khu vực châu Á Thái Bình Dương đối với việc xây dựng danh tính trực tuyến an toàn và uy tín trên mạng xã hội. Báo cáo này còn nghiên cứu phản ứng của khách hàng khi doanh nghiệp bị bôi nhọ uy tín trên mạng.

Nghiên cứu này được cơ quan nghiên cứu YouGov thực hiện tại Úc, Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam vào tháng 11 năm 2020. Tổng số 1.240 người ở các quốc gia nói trên đã tham gia khảo sát.

Những người tham gia khảo sát có độ tuổi từ 18-65, tất cả đều là những người đang đi làm và có hoạt động tích cực trên mạng xã hội (dành ít nhất 1 giờ mỗi ngày trên mạng xã hội).

Có thể bạn quan tâm