Trong năm 2017, thị phần CPU máy tính của hãng AMD tăng tới 50% so với năm trước nhờ có dòng CPU Ryzen, và hãng này hy vọng có thể tiếp tục duy trì phong độ và phát huy mạnh mẽ hơn trong năm 2018. Bên cạnh đó, tại các nhà bán lẻ chuyên cung cấp những cỗ máy DIY như Mindfactory hay Newegg, thị phần của AMD chiếm tới 40-50%.
Thực tế trong năm vừa qua cho thấy, có vẻ như CPU Ryzen của AMD đang gặt hái được rất nhiều thành công trên thị trường quốc tế. Nhờ đó, thị phần của hãng này trong mảng CPU đang ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ, thậm chí họ còn tỏ ra vô cùng lạc quan khi cho rằng "mình đang trên đường trở về với thời hoàng kim" của một thời xưa cũ.
Còn nhớ, "thời hoàng kim" của AMD chính là thời điểm cuối năm 2005, khi thị phần của AMD đạt tới 22,6% trong thị trường toàn cầu nhờ họ đã "đánh bại Intel" trong cuộc chiến về kiến trúc 64-bit. Có điều là họ đã "khinh địch và tự cao tự đại", đưa ra những quyết định sai lầm trong sản xuất và kinh doanh, khiến cho AMD "tự mình ngã ngựa" với những khoản lỗ khổng lồ, bị Intel áp đảo dễ dàng trên thị trường trong suốt cả chục năm sau đó.
Nhưng đến tận năm 2017, với sự ra đời của dòng CPU Ryzen, AMD mới tìm lại được chỗ đứng cho mình trên thị trường nhờ vào những cải tiến vượt trội về mặt hiệu năng, giúp các máy tính chạy tốt và "mượt" hơn, nhưng vẫn có mức giá vô cùng hợp lý. Chính vì thế, họ đã thu hút được sự chú ý của các khách hàng lớn đặt mua, và để đối phó với Ryzen, Intel đã buộc phải cho ra dòng CPU thế hệ mới mang tên Coffee Lake sớm hơn so với kế hoạch.
AMD dự kiến, trong năm 2018 này, họ vẫn tiếp tục tận dụng những ưu thế về mặt hiệu năng lẫn giá thành của dòng CPU Ryzen và đây là một bước đi đúng đắn của hãng. Cụ thể, AMD hiện đang có kế hoạch tiếp tục tấn công mạnh vào thị trường Laptop và Desktop trong năm nay bằng các sản phẩm CPU và APU Ryzen, cũng như bằng CPU Threadripper trong thị trường máy trạm.
Không những thế, vào tháng 4 tới, AMD sẽ chính thức tung ra thị trường dòng CPU Ryzen thế hệ thứ 2, với những cải tiến về mặt hiệu năng và sức mạnh, tuy nhiên vẫn giữ nguyên mức giá rất mềm để cạnh tranh trực tiếp với CPU Coffee Lake của Intel.
Bên cạnh đó, AMD cũng đang chờ đợi 60 nền tảng mới dựa trên CPU Ryzen từ các đối tác sản xuất phụ tùng gốc (OEM), phần lớn trong số đó là các thiết bị di động như laptop và máy tính bảng, trải dài trên nhiều phân khúc thị trường khác nhau. Theo như AMD, mảng thị trường này có giá trị khoảng 10 tỉ USD, biến đây trở thành cơ hội phát triển rất tốt cho hãng, nếu như họ có thể tung ra được hàng loạt các sản phẩm có tính cạnh tranh cao.
Mảng thị trường đã đem lại thành công cho AMD trong năm 2017 chính là CPU cho các máy tính để bàn - hiện đang có giá trị khoảng 9 tỉ USD, và AMD đang có rất nhiều cơ hội để tiếp tục mở rộng thị phần của mình ra tất cả các mảng thị trường khác trong năm 2018.