Ba năm qua, thị trường máy tính Việt Nam chứng kiến nhiều biến động lớn, theo số liệu của các hãng nghiên cứu thị trường
Năm 2020, khi Covid-19 bắt đầu, tổng doanh thu thị trường máy tính tăng 22,5%. Tới 2021, ngành thăng hoa với mức tăng trưởng 72,5%. Tuy nhiên, dự kiến hết năm 2022, toàn thị trường đi xuống với mức giảm 20%.
Nếu không tính hai năm đại dịch, số liệu cho thấy doanh số thị trường máy tính 2022 vẫn cao hơn 65% so với năm 2019. Tuy nhiên, thống kê không làm yên lòng những người trong nghề. "Diễn biến trái ngược diễn ra quá nhanh. Hồi đầu năm, mọi dự báo vẫn lạc quan nhưng tới giữa năm, thị trường máy tính lao dốc khiến các nhà sản xuất, đơn vị nhập khẩu không kịp trở tay. Chúng tôi đang đối mặt với rất nhiều bài toán", ông Lê Tùng, đại diện một đơn vị nhập khẩu máy tính, phụ kiện, nói.
Thị trường máy tính năm 2021: không đủ hàng để bán
Năm 2021 chứng kiến cảnh "người người, nhà nhà mua máy tính" khi nhu cầu làm việc, học tập từ xa tăng cao. Một gia đình có thể cùng lúc sắm vài thiết bị cho các thành viên. Doanh số sản phẩm liên quan đều tăng mạnh như laptop, máy tính bảng, máy tính để bàn, màn hình, linh kiện, phụ kiện máy tính...
"Chưa bao giờ người bán máy tính được săn lùng đến thế. Không chỉ model mới, toàn bộ sản phẩm tồn kho từ năm trước cũng không còn. Đó là thời kỳ bán hàng khó tin của chúng tôi", ông Phạm Cảnh, chủ một cửa hàng máy tính ở phố Lê Thanh Nghị (Hà Nội), nhớ lại.
Thị trường bùng nổ khiến nhiều nhà sản xuất vốn thuần về linh kiện, máy tính chuyên game cũng gia nhập mảng laptop phổ thông tại Việt Nam như Gigabyte, MSI. Một số hệ thống chuyên về điện thoại, thiết bị di động như CellPhoneS, Hoanghamobile hay chuyên về thẻ nhớ, ổ cứng như Memoryzone cũng mở rộng thêm mảng kinh doanh máy tính và có mức tăng trưởng ba con số.
Say men chiến thắng, nhiều công ty đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số trong năm 2022, tự tin với kế hoạch nhập hàng lớn hơn, mở rộng hệ thống.
Tuy nhiên, khi Việt Nam quay trở lại cuộc sống bình thường, nhu cầu với máy tính về mức thấp hơn cả trước đại dịch. "Ngược với năm ngoái, nguồn hàng dồi dào, đa dạng mẫu mã, giá tốt, nhiều khuyến mãi nhưng người tiêu dùng không còn mặn mà" - ông Phạm Tuyến, quản lý ngành hàng máy tính của một hệ thống cho biết - "Ưu tiên hàng đầu bây giờ là giải phóng lượng hàng đang có".
Nửa cuối 2022: Khó khăn chồng khó khăn
Dự báo sai về nhu cầu thị trường máy tính khiến nhiều hãng đối mặt vấn đề hàng tồn kho tăng cao. Tuy nhiên, khó khăn nhân đôi khi đây cũng là năm các hệ thống chịu áp lực tăng giá đầu vào do tỷ giá USD lên cao.
"Chúng tôi đứng trước cả sức ép tăng giá để bù đắp chi phí lẫn giảm giá, khuyến mại để cứu vãn doanh số", đại diện một hãng máy tính nói.
Tồn kho, giá nhập tăng cũng là lý do các dòng máy tính, linh kiện thế hệ mới vắng bóng trên các kệ hàng. Ví dụ, đa số dòng laptop đang bán vẫn chạy chip Intel Core i thế hệ 12 của năm ngoái, thậm chí thế hệ 11. Rất ít model chạy chip thế hệ 13 năm 2022 dù chỉ còn vài tháng nữa, Intel sẽ trình làng chip thế hệ 14.
Quý III và IV hàng năm thường ghi nhận thị trường máy tính tăng trưởng mạnh do là mùa tựu trường và mùa mua sắm cuối năm. Tuy nhiên, trong quý IV/2022, các hệ thống cho biết sức mua đang giảm 10-25% so với quý III. Diễn biến tại Việt Nam khá giống thị trường toàn cầu khi có mức giảm về doanh số khoảng 20%.
Trước tình hình này, nhiều công ty trong ngành máy tính đều đang gặp khó khăn khi phải đưa ra quyết định cắt giảm nhân sự, chi tiêu, thậm chí thu hẹp quy mô.