Ngoài thị trường thiết bị kết nối, thị trường thiết bị hạ tầng 5G cũng phát triển sôi động không kém khi các nhà mạng trên toàn cầu chạy đua triển khai cơ sở hạ tầng 5G với hàng loạt trạm phát sóng từ lớn đến nhỏ. Theo ước tính, để đáp ứng nhu cầu kết nối của người dùng và mạng IoT, sẽ có đến 8,5 triệu trạm phát sóng loại nhỏ (small cell) được lắp đặt trên toàn cầu vào năm 2020. Số thiết bị này sẽ phục vụ cho các
Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ di động toàn cầu (GSA), tính đến cuối tháng 10 vừa qua, đã có hơn 20 nhà mạng tại 12 quốc gia đã thử nghiệm và cam kết thử nghiệm 5G.
Đi đầu vẫn là Hàn Quốc khi Bộ Công nghiệp, CNTT và Hoạch định tương lai nước này đã thông qua kế hoạch đầu tư 68,2 tỷ Won để đảm bảo tiến độ cung cấp dịch vụ thử nghiệm vào năm 2017 và chính thức thương mại hóa các mạng 5G vào năm 2020. Được biết, cách đây 3 năm, được hỗ trợ kinh phí từ chính phủ, một số nhà mạng nước này liên tiếp công bố phát triển các dự án 5G. Và cho đến nay, cả 3 nhà mạng của nước này là KT, SKT và LG đều đã có tên trong danh sách nhà mạng cam kết thử nghiệm 5G.
Nhật Bản theo sau với 2 nhà mạng cam kết thử nghiệm 5G tại thị trường trong nước. Theo đó, NTT DoCoMo đã tiến hành thử nghiệm và công bố một số kết quả khả quan ban đầu. Ở giai đoạn đầu, hãng này lên kế hoạch thương mại hóa 5G vào năm 2020 tại Thế vận hội Thể thao mùa hè. Tiếp đó vào các năm 2022-2023, nhà mạng này sẽ tập trung vào việc cải thiện tốc độ mạng thông qua việc giảm độ trễ và sử dụng các tần số cao hơn. Trong khi đó, nhà mạng Softbank cũng đã thử nghiệm 5G tại thành phố Tokyo.
Ngoài ra, Nga, Pháp, Mỹ, Đức, Australia và Brazil cũng là những quốc gia đã công bố thử nghiệm 5G cả trong phòng thí nghiệm và môi trường thực tế. Những quốc gia này có một số điểm chung như dân số đông, phần lớn dân số tập trung ở khu vực đô thị, nhiều doanh nghiệp trong nước đang tập trung triển khai chiến lược IoT.
Theo dự báo của GSA, vào năm 2017, công nghệ 5G sẽ có vài mạng thương mại sớm hay còn gọi là (Early 5G) tức là chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn đề ra nhưng sẽ có đến 270 mạng thương mại hoàn chỉnh (Fully 5G) vào năm 2025.
Còn theo dự báo của hãng nghiên cứu thị trường viễn thông OVUM, các dịch vụ 5G thương mại sẽ được tung ra thị trường vào năm 2020 và sẽ có 24 triệu thuê bao vào một năm sau đó, tức năm 2021. Trong đó, Bắc Mỹ và châu Á sẽ chiếm khoảng hơn 40% thuê bao 5G toàn cầu vào cuối năm 2021. Theo sau sẽ là châu Âu (hơn 10%), phần còn lại sẽ thuộc về Trung Đông và châu Phi.
Cũng theo ước tính của OVUM, các dịch vụ 5G thương mại sẽ có mặt tại 4 khu vực chính trên thế giới và tại hơn 20 quốc gia vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, phần lớn thuê bao 5G vào năm này sẽ tập trung tại các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Ước tính này được dựa trên một thực tế là các nhà mạng tại những quốc gia này đều đang không ngừng nỗ lực nghiên cứu, thử nghiệm và quyết tâm dẫn đầu trên cuộc đua tiến lên 5G.
Theo Mike Roberts, người phụ trách nhóm nghiên cứu thị trường viễn thông tại OVUM, vào năm 2021, 5G chủ yếu sẽ được sử dụng để tăng cường các dịch vụ băng rộng di động và cũng hỗ trợ cho thị trường băng rộng cố định tại những khu vực còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai hạ tầng cố định. Qua thời gian 5G sẽ mở rộng hỗ trợ một loạt các trường hợp sử dụng khác như Internet of Things, các nhiệm vụ truyền thông quan trọng khác của chính phủ.
Những điều này cho thấy, thị trường 5G có nhiều khả năng phát triển nhanh hơn dự báo trước đây. Và để không bị bỏ lại phía sau, ngoài nhà mạng, các nhà sản xuất thiết bị cũng cần sẵn sàng tham gia vào cuộc đua tiến lên 5G này.