Đây là dự báo của hãng Ericsson được đăng tải trong Báo cáo Di động tháng 6/2016.
Với nhiều lợi thế kết hợp (hạ tầng, điều kiện kinh tế, nhu cầu sử dụng, sự hỗ trợ từ chính phủ) khu vực Tây Âu được dự báo sẽ trở thành động lực tăng trưởng lớn nhất trên thế giới với số lượng thiết bị IoT có thể tăng gấp 4 lần từ 1 tỷ thiết bị vào năm 2015 lên 4 tỷ thiết bị vào năm 2021.
Còn khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) được dự báo sẽ dẫn đầu về số lượng thiết bị IoT khi có đến gần 5 tỷ thiết bị vào năm 2021. Khu vực Bắc Mỹ theo sau 2 khu vực trên cả về tốc độ tăng trưởng và số lượng thiết bị khi chỉ có khoảng 3 tỷ thiết bị IoT vào năm 2021.
Tiếp theo là các khu vực Trung Đông và châu Phi, Mỹ La Tinh, Trung và Đông Âu. Cả 3 khu vực này được Ericsson dự báo sẽ có chung xu hướng tăng trưởng và số lượng thiết bị và có thể có khoảng 1,5 tỷ thiết bị mỗi khu vực vào năm 2021.
Xét theo phương thức kết nối, trong khi phần lớn các thiết bị IoT được kết nối thông qua phương thức phi di động (non-cellular, có thể là có dây hoặc Wi-Fi) thì các thiết bị IoT được kết nối thông qua phương thức di động (cellular) lại được dự báo là phân khúc có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn.
Có điều này là nhờ sự phổ biến các chuẩn 3GPP dành cho các công nghệ IoT di động.